Khánh Hòa: Tăng cường quản lý nhà nước về công tác bổ trợ tư pháp

29/06/2023
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành các văn bản về tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

1- Phối hợp quản lý hoạt động Luật sư
Theo văn bản số 4692/UBND-NC ngày 16/5/2023 về tăng cường phối hợp quản lý hoạt động luật sư, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất để phát hiện kịp thời và xử lý vi phạm trong hoạt động hành nghề luật sư, trong đó lưu ý các hoạt động “núp bóng”, “lợi dụng” hoạt động hành nghề luật sư để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Công an tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan tiến hành tố tụng nắm thông tin, tình hình hoạt động của luật sư, kịp thời chia sẻ thông tin có liên quan, trong đó lưu ý việc ứng xử, phát ngôn của luật sư trên mạng xã hội, trong quá trình tham gia tố tụng. Đoàn Luật sư tỉnh nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Luật sư, trong đó lưu ý giám sát các luật sư thành viên, luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi của luật sư vi phạm theo đúng quy định của pháp luật…
2- Đến năm 2030, toàn tỉnh có 8 Văn phòng Thừa phát lại
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành Quyết định số 1144/QĐ-UBND ngày 24/5/2023 về phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Theo Đề án, lộ trình phát triển các Văn phòng Thừa phát lại phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thi hành án dân sự của tỉnh nhằm giải quyết khó khăn về lượng án tồn đọng, các yêu cầu về thi hành án dân sự của tổ chức và cá nhân. Việc phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo 03 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ năm 2023 đến năm 2025): tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chế định Thừa phát lại, về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại để nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về hoạt động Thừa phát lại. Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan Thi hành án dân sự, mật độ dân cư và nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn, dự kiến thành lập thêm 02 Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh.
Giai đoạn 2 (từ năm 2025 đến năm 2028): tiếp tục duy trì, ổn định các Văn phòng Thừa phát lại hiện có. Trên cơ sở nhu cầu thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế, hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự của các tổ chức, cá nhân tại từng địa bàn cấp huyện và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, dự kiến thành lập thêm 02 Văn phòng Thừa phát lại tại huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa.
Giai đoạn 3 (từ năm 2028 đế năm 2030): Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án, tiến tới thực hiện chủ trương phát triển, thành lập Văn phòng Thừa phát đủ về số lượng theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh, dự kiến thành lập 02 Văn phòng Thừa phát lại tại huyện Cam Lâm và huyện Vạn Ninh.
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 02 Văn phòng Thừa phát lại đang hoạt động (Văn phòng Thừa phát lại Khánh Hòa tại thành phố Nha Trang và Văn phòng Thừa phát lại Cam Ranh tại thành phố Cam Ranh). Như vậy, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 08 Văn phòng Thừa phát lại phân bổ tại địa bàn 6/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (ngoại trừ 02 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và huyện đảo Trường Sa).
Hải Dương