Ngày 22/6/2023, tại Hội nghị công bố kết quả xếp hạng công tác cải cách hành chính và văn thư lưu trữ năm 2022 của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đã được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính năm 2022.
Theo Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 15/6/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh Cà Mau, Sở Tư pháp đạt 88,95 điểm, là một trong 03 sở, ngành tỉnh xếp loại cao nhất. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Sở Tư pháp là một trong 03 sở, ngành tỉnh xếp loại cao nhất. Kết quả trên đạt được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc Sở Tư pháp, từng thành viên Ban Giám đốc và sự phấn đấu, nổ lực không ngừng của công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở Tư pháp trong việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính trong bối cảnh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và hậu COVID-19.
Trong những năm gần đây, Lãnh đạo Sở Tư pháp luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện các Chương trình, Kế hoạch về công tác cải cách hành chính, tuyên truyền về cải cách hành chính một cách đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đến việc thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tài chính công; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nhất là thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “04 tại chỗ”. Do đó, trong năm 2022, công tác cải cách hành chính tại Sở Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Đồng chí Võ Thanh Tòng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại Hội nghị
Cụ thể, năm 2022, Sở Tư pháp đã phát huy tốt vai trò cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp giáo dục pháp pháp luật tỉnh, tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn, lấy người dân là trung tâm thụ hưởng để tham mưu hoàn thiện thể chế và coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là giải pháp thúc đẩy việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Bên cạnh các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống, các tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp địa phương đã tham mưu nhiều mô hình mới, cách làm hay hiệu quả về phổ biến, giáo dục pháp luật, như: Tổ chức triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật mới theo hình thức trực tuyến; tiếp tục duy trì, triển khai thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, qua facebook, trang fanpage, youtube; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, với sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; thực hiện nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả. Vì vậy, Sở Tư pháp đã chủ trì hoặc phối hợp tham mưu trình ban hành 58 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 19/19 nghị quyết, đạt 100% và 40/60 quyết định, đạt 66,7%.
Về công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời công bố sửa đổi, bổ sung bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp; đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tra cứu và thực hiện thủ tục hành chính, Sở đã tiến hành niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả và đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của Sở. Bên cạnh đó, Sở đã chủ động nghiên cứu, rà soát, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý.
Về công tác cải cách tổ chức bộ máy, trên cơ sở Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND ngày 05/10/2021 của UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau mới ban hành, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức lại, ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (Phòng Công chứng số 1, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản). Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy luôn được Sở Tư pháp chú trọng đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.
Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Sở Tư pháp đạt 100% tỷ lệ công chức thực hiện giải quyết công việc trên Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; triển khai thực hiện quy trình “04 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính (tiếp nhận; thẩm định; giải quyết và trả hồ sơ trong 04 giờ đồng hồ), từ đó các hồ sơ khi tiếp nhận đều được giải quyết nhanh chóng, trả kết quả trong thời gian sớm nhất. Thời gian giải quyết được rút ngắn (đối với những thủ tục theo quy định tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trong ngày, khi thực hiện quy trình “04 tại chỗ” thời gian giải quyết chỉ mất khoảng 02 giờ; các thủ tục còn lại rút ngắn ít nhất từ 01 đến 03 ngày làm việc), do cắt giảm các bước không cần thiết trong quy trình.
Có thể nói, năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do chịu nhiều ảnh hưởng của hậu đại dịch COVID-19 và nguồn nhân lực hạn chế nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh và sự nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở Tư pháp đã góp phần tích cực cùng chính quyền tỉnh nhà tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Đàm Văn Chất - Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Cà Mau