Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trong trong các văn kiện quốc tế về quyền con người. Đây cũng là nguyên tắc xuyên suốt được thể hiện rõ trong Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến nay, qua đó, vị thế và vai trò của người phụ nữ đã bước đầu được ghi nhận và khẳng định. Ngày nay, khi đất nước đã bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, toàn Đảng toàn dân đang tích cực xây dựng thành công một xã hội bình đẳng thực sự, dân chủ và văn minh thì vấn đề nam nữ bình quyền lại càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Việc quốc hội ban hành luật Luật Bình đẳng giới nhằm tiếp tục thể chế hoá hơn nữa quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về "Nam, nữ bình quyền", giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ; đồng thời khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người. Đây cũng là cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong thực tế cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc thực hiện công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Hoạt động công chứng những năm qua đã thể hiện vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế của các tổ chức, cá nhân. Song, trên thực tế các quy định pháp luật về công chứng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cả về mặt tổ chức và hoạt động làm ảnh hưởng đến hoạt động giao lưu dân sự, kinh tế, hạn chế sự phát triển và quá trình hội nhập của nền kinh tế đất nước. Yêu cầu đặt ra là phải sớm khắc phục những điểm hạn chế nhất là trong điều kiện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Chính vì vậy, việc hoàn thiện thể chế về công chứng thông qua việc ban hành Luật công chứng, một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh một cách toàn diện và đồng bộ lĩnh vực công chứng là một nhu cầu cấp thiết. Luật Công chứng ra đời, tách biệt hoạt động công chứng với hoạt động chứng thực, đã đem lại nhiều nét mới nhằm hoàn thiện và đưa chế định công chứng của nước ta xích gần hơn với thông lệ công chứng quốc tế. Luật Công chứng đã khẳng định được vị trí của công chứng viên và nghề công chứng trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề của công chứng viên, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Bên cạnh đó, quy định cụ thể về giá trị pháp lý của văn bản công chứng, giá trị thi hành của những văn bản này, các tổ chức hành nghề công chứng... góp phần phòng ngừa các tranh chấp, vi phạm pháp luật, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.
Về công tác hành chính tư pháp, tuy đã có nhiều văn bản hướng dẫn, song thời gian qua việc áp dụng vẫn chưa được đồng bộ và thống nhất, gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan thực thi và không bảo đảm tính pháp chế. Bởi trên thực tế nhiều quy định của pháp luật hiện hành về cư trú và quản lý cư trú đã không còn phù hợp, mang nặng cơ chế xin - cho, trình tự, thủ tục còn rườm rà, phức tạp, chưa thật sự dân chủ, dẫn đến tình trạng vận dụng tuỳ tiện, gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Để đảm bảo việc thực hiện các quy định về đăng ký và quản lý cư trú được thống nhất và có hiệu quả thì việc triển khai phổ biến các quy định về lĩnh vực này là hết sức cần thiết. Luật Cư trú ra đời với những quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến cư trú đảm bảo yêu cầu cụ thể hoá quyền tự do cư trú của công dân, đồng thời đảm bảo được yêu cầu của công tác quản lý về cư trú với những trình tự, thủ tục đăng ký đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác không gây phiền hà cho nhân dân; tạo cơ sở để củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác đăng ký, quản lý cư trú; bảo đảm cho công tác quản lý cư trú đạt hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Để nội dung các luật này được triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ và nhân dân trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật và hội nhập quốc tế, đồng chí Bùi Thị Lệ Thuỷ thay mặt cho Hội đồng PHCTPBGDPL đề nghị các cấp, các ngành nhanh chóng triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung các luật này trong ngành, cơ quan, địa phương mình đồng thời rà soát các văn bản để tham mưu cho UBND cùng cấp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bố trí kinh phí, củng cố đội ngũ báo cáo viên, cán bộ pháp chế nhằm đảm bảo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên và đạt hiệu quả.
MạnhThắng