Lạng Sơn: Ghi nhận từ một xã vùng 2

01/06/2007
Là một xã nằm trọn trong lòng của thung lũng lúa với thuốc lá, trụ sở UBND xã được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi sừng sững. Xã Vũ Lăng với dân số 5000 người với 979 hộ, diện tích tự nhiên 4.135 km2 . Dân tộc Tày chiếm 93,7%, Nùng 0,28%, Kinh 0,4%, Dao 5,6%. Xã được chia làm 15 thôn, bản, đặc biệt xã có thôn Xuối Luông cách trung tâm xã 7 km, thôn này được xã đặc biệt quan tâm vì chủ yếu dân sinh sống ở đây là đồng bào dân tộc người Dao.

Chúng tôi đến UBND xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn trong một ngày đẹp trời. Từ Uỷ ban nhân dân huyện Bắc Sơn đến UBND xã Vũ Lăng chừng hơn 20 km, bao quanh và dọc đường chúng tôi đến đó là xã Hưng Vũ với những cánh đồng lúa, cánh đồng thuốc lá trải dài. Trên đường đến chúng tôi không thể không dừng lại thăm khu di tích lịch sử đình làng Nông Lục đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia- Nơi đây tối ngày 26/9/1940 Chi bộ Đảng đã họp và quyết định khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940. Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của Đảng ta.

Được sự phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Bắc Sơn lựa chọn xã Vũ Lăng để mở Hội nghị tuyên truyền đề án II- chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm năm 2007 tại cơ sở.

Đoàn chúng tôi từ tỉnh về xã lần này chỉ có 2 anh em làm công tác PBGDPL của sở cũng đồng thời là Báo cáo viên lên lớp ngày hôm nay, đi cùng đoàn là anh Phạm Văn Bằng, trưởng Phòng Tư pháp huyện, anh Đáp và anh Tuấn Phòng là cán bộ Phòng Tư pháp huyện Bắc Sơn đồng thời cũng là cộng tác viên trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đại biểu dự Hội nghị.

Nội dung của buổi tuyên truyền phòng, chống tội phạm gồm 3 phần là tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm năm 2007, phát Đề cương tuyên truyền và tiến hành phát phiếu hỏi trợ giúp pháp lý.

Tất cả các nội dung của buổi tuyên truyền đều được thực hiện theo đúng kế hoạch, duy chỉ có một điều khó của đoàn là việc trợ giúp pháp lý gặp một số khó khăn, nhân dân cơ sở thì cần những giải đáp cụ thể liên quan thiết thực hến cơ sở, nhưng cán bộ trợ giúp thì chỉ nắm được những lĩnh vực chung nhất, chỉ trả lời được ở mức độ chung vì những lĩnh vực hỏi không nằm trong lĩnh vực quản lý hoặc không thuộc chuyên môn của cán bộ trợ giúp mà các đối tượng cần trợ giúp gửi gắm hết niềm tin vào cán bộ trợ giúp pháp lý, vì ngoài chúng tôi ra ít có ai đến với họ lắng nghe họ nói và trả lời cho họ những lĩnh vực pháp luật, những vướng mắc pháp luật từ cơ sở cả.

Trước mắt chúng tôi là một khu chợ nằm bên cạnh đường cái nhựa vẫn còn mới, những ngôi trường khang trang sạch đẹp, nơi đây mang dấu hiệu của một vùng quê yên bình mà đang từng ngày phát triển.

Gặp mặt anh cán bộ Tư pháp xã lần đầu đã mang lại cho tôi ấn tượng, một thanh niên hết sức năng đ ng, nhanh nhẹn và, quý người, cũng nhân dịp này tôi giới thiệu là cộng tác viên (CTV) của báo pháp luật muốn phỏng vấn đối với anh để hiểu được những khó khăn của công tác Tư pháp cơ sở, anh Tư pháp xã (Nguyễn Quốc Hội) hồ hởi đón chúng tôi, anh nói rất nhiều về cuộc sống người dân, về kinh tế của nhân dân như muốn cho chúng tôi biết những thay đổi đang rất nhiều ở nơi đây. 

Hỏi (CTV):  Xin cám ơn anh đã tham gia cuộc phỏng vấn của chúng tôi, xin anh cho biết những thuận lợi và khó khăn của xã và công Tư pháp nơi đây?

Anh Hội: Về thuận lợi, công tác Tư pháp của xã luôn được Đảng uỷ, HĐND và Uỷ ban quan tâm. Nhân dân của xã chủ yếu làm nông nghiệp, trồng lúa và trồng thuốc lá, xã có 01 chợ Vũ Lăng 5 ngày một phiên nhân dân làm ăn buôn bán chủ yếu là hàng nông sản, dân số sống tập trung nên hình thức PBGDPL thuận lợi nhất là qua hệ thống loa truyền thanh, có đường 241 đi Thái Nguyên qua trung tâm xã là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thông. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng cơ bản, con em của xã được học hành. Hơn nữa nhân dân của xã có truyền thống cách mạng từ lâu đời, có tinh thần đoàn kết cùng nhau cần mẫn làm ăn kinh tế nên điều kiện kinh tế của mỗi gia đình ngày càng được nâng cao. Năm 2000 Vũ Lăng vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ghi nhận tinh thần quật cường, đấu tranh đóng góp cho cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn 27/9/1940. Với những điều kiện thuận lợi ấy, Vũ Lăng ngày càng có nhiều điều kiện hơn nữa để phát triển kinh tế- xã hội.

Về khó khăn, vì có những điều kiện thuận lợi về đường giao thông nên cũng phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, tội phạm. Một số thôn dân sống chưa được tập trung, trình độ dân trí và mức hiểu pháp luật không được đồng đều, nông sản thì bị thương nhân ép giá, đời sống nhân dân có phát triển nhưng vẫn còn nhiều vất vả. 

CTV: Với những điều kiện thuận lợi và khó khăn ấy thì công tác tuyên truyền PBGDPL đến nhân dân được thực hiện như thế nào?

Anh Hội: Xác định được những thuận lợi và khó khăn của xã nên Ban Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng PHCTPBGDPL triển khai công tác bằng những hình thức phù hợp, đối với những thôn dân sống tập trung thì phổ biến qua loa truyền thanh, qua các cuộc họp của xã, để tránh mất thời gian của các Trưởng thôn nên xã đã lồng ghép phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật, công tác phòng, chống ma tuý, hoà giải ở cơ sở.

Xã đã thành lập được Ban Tư pháp với 5 người và Hội đồng PHCTPBGDPL với 9 người, hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai công tác, xã đã xây dựng được Tủ sách pháp luật với hơn 70 đầu sách các loại, thực hiện tốt công tác cho mượn và lưu giữ, tuy nhiên xã vẫn chưa thực hiện được việc luân chuyển sách pháp luật với điểm Bưu điện văn hoá xã. Vì kinh phí hàng năm cho công tác PBGDPL chưa có nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác này gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai, nhiều nội dung pháp luật thấy cần thiết triển khai nhưng không có kinh phí nên không thực hiện được. Bên cạnh công tác PBGDPL thì công tác hộ tịch được thực hiện đúng theo quy định về khai sinh, khai tử, ngoài ra còn thực hiện tốt công tác Thi hành án dưới 500 nghìn đồng, thời gian từ 2003 đến 2006 đã nhận 14 việc thi hành xong 12 việc, năm 2006 tiến hành hoà giải 26 vụ việc, hoà giải thành 18 vụ việc... 

CTV: Anh có nhận xét gì về những điều đã làm được và chưa làm được của công tác Tư pháp nơi đây?

Anh Hội: Về những điều làm được của công tác Tư pháp là việc thực hiện thường xuyên, đúng quy định về công tác hộ tịch, chứng thực, đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, hoà giải, Thi hành án, thực hiện thường xuyên công tác PBGDPL, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tiến hành công khai về hoạt động các phong trào ở cơ sở, công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí lệ phí, niêm yết việc đền bù giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... để nhân dân biết và giám sát.

Việc chưa làm được của công tác Tư pháp là việc phối hợp của Hội đồng PHCTPBGDPL chưa được tốt và thường xuyên, chưa thực hiện được việc luân chuyển sách pháp luật với điểm Bưu điện văn hoá xã, chưa xây dựng được hệ thống loa truyền thanh ở các thôn, bản, cán bộ Tư pháp chưa được bồi dưỡng thường xuyên nghiệp vụ. Cán bộ Tư pháp còn chưa dành được nhiều thời gian để xuống các thôn tuyên truyền, nạn tảo hôn vẫn còn xảy ra nhiều... 

Hỏi ông Hoàng Doãn Tiến- Bí thư Đảng uỷ xã:

CTV: Xin ông cho biết là một người lãnh đạo, chỉ đạo về chủ trương, đường lối, ông đã thực hiện việc chỉ đạo Uỷ ban nhân dân, các tổ chức nói chung và công tác Tư pháp nói riêng như thế nào?

Ông Tiến: Thường vụ Đảng uỷ, BCH Đảng uỷ cùng Uỷ ban nhân dân đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và nhân dân ở các thôn, bản tập trung thực tiện tốt các nhiệm vụ như đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường các biện pháp thu ngân sách, kiện toàn ổn định công tác tổ chức cán bộ chủ chốt của Hội phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, thành lập các Tổ, đoàn công tác xống thân, bản giải quyết các vấn đề, yêu cầu của nhân dân và triển khai các chỉ thị nghị quyết của cấp trên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc các thôn thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng. Từ đầu năm tôi đã chỉ đạo Tư pháp xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2007, thực hiện tốt công tác tiếp nhận các loại đơn của công dân, chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế một cửa... 

CTV: Được biết xã có 01 thôn toàn đồng bào người Dao sinh sống. Vậy xã đã có chủ trương và thể hiện sự quan tâm như thế nào đối với đồng bào người Dao?

Ông Tiến: Thôn có toàn đồng bào người Dao sinh sống là thôn Xuối Luông, cách trung tâm xã khoảng 7 km. Đây là thôn luôn được sự quan tâm và ưu tiên nhất của xã, bà con người Dao được vay vốn, con em được đi học và được miễn học phí theo quy định. Chúng tôi thường cử cán bộ xuống thôn giúp bà con làm ăn, cung cấp cây giống cho bà con, ví dụ năm vừa qua chúng tôi đã hỗ trợ 4.950 cây mận lai, 7 con bò cho các hộ nghèo người Dao. Về PBGCPL vì đồng bào người Dao ở đây nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế, hơn nữa tranh chấp ở đây thường là tranh chấp về các lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình nên chúng tôi tập trung vào phổ biến, tuyên truyền các văn bản về lĩnh vực này. Đối với trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn, công an viên thôn chúng tôi thường xuyên quan tâm, động viên, thăm hỏi để các đồng chí yên tâm công tác, vận động bà con làm theo, chấp hành các chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước. 

CTV: ông có thể cho biết một số kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội của xã thời gian vừa qua không?

Ông Tiến: Thời gian vừa qua (tổng kết năm 2006) hầu hết các chỉ tiêu đều đạt được vượt kế hoạch, nền kinh tế của xã phát triển ổn định, nhờ có điều kiện về tự nhiên (có 2 hồ lớn là hồ Vũ Lăng và hồ Thâm Luông) nên thuận tiện cho phát triển nông nghiệp, các chỉ tiêu nông nghiệp phát triển mạnh nhất, về trồng trọt, vụ lúa gieo trồng được 221,29 ha (đạt 102%, tăng 8,8 ha so với cùng kỳ) sản lượng đạt 953,2 tấn, Ngô gieo trồng được 243,95 ha (đạt 113%) sản lượng đạt 939 tấn. Về chăn nuôi, tổng đàn trâu của xã là 1.065 con, bò 1.118 con, đàn lợn 2.984 con, gia cầm 29.940 con. Ngoài ra hiện nay ở địa phưng đã hình thành tổ chức nuôi cá như HTX Vũ Lăng, vừa qua đã tổ chức đánh bắt được 3,5 tấn thu 31 triệu đồng.

Chương trình 134 được Nhà nước hỗ trợ 75 triệu đồng cho 15 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để tu sửa nhà dột nát, ngoài ra xã còn nhận được viện trợ của 01 Việt kiều Mỹ cho 9,5 triệu đồng, các tổ chức trong huyện và tỉnh hỗ trợ 16 triệu đồng cho việc xây dựng nhà đại đoàn kết...huy động nhân dân trong xã tu sửa được 7.560m đường, nhân dân đóng góp hơn 41 triệu đồng, huy động 1.980 ngày công để làm đường...

Về thu ngân sách đạt 1287,83% vượt 17,83% so với kế hoạch 

CTV: Thời gian tới ông có chỉ đạo gì đối với các mặt công tác của xã nói chung và công tác Tư pháp nói riêng?

Ông Tiến: Thời gian tới chúng tôi tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ , mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp, năng suất, sản lượng đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan cung cấp giống cây trồng, phân bón cho bà con, cùng các đơn vị bàn hướng đầu ra cho sản phẩm để tránh bị thương nhân ép giá. Tiếp tục thực hiện việc kéo điện về những thôn hiện chưa có điện theo kế hoạch. Riêng đối với công tác Tư pháp, chúng tôi tiếp tục PBGDPL với hình thức phù hợp, cử cán bộ Tư pháp đi học những lớp nâng cao kiến thức, thực hiện tốt cơ chế một cửa, công khai hoạt động hành chính và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đảm bảo việc phát triển hiệu quả, đạt chỉ tiêu, nâng cao mức sống, điều kiện sống của nhân dân các thôn cũng như dân trí pháp luật, đặc biệt là đồng bào dân tộc người Dao.

CTV: Xin cám ơn ông, tôi tin rằng với những chủ trương, đường lối phát triển và sự quan tâm sát sao đến các mặt công tác của cán bộ nơi đây sẽ làm thay đổi cơ bản đời sống của nhân dân, phát huy được truyền thống yêu nước, đoàn kết trong chiến đấu, lao động và sản xuất của nhân dân xã Vũ Lăng anh hùng.

Được biết cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, tỷ lệ cử tri đi bầu cử của Vũ lăng đạt 99,73%, xắp tới Đảng uỷ xã sẽ trao huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho 9 đồng chí, huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho 48 đồng chí của xã./.