Sở Tư pháp Lạng Sơn ban hành chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, ban chấp hành trung ương Đảng khoá X

01/06/2007
Thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU ngày 24/4/2007 của Tỉnh uỷ Lạng Sơn về Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X “về một số chủ trương, chính sách để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới” và “chiến lược biển Việt nam đến năm 2010”, Sở Tư pháp đã xây dựng Chương trình triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan.

Theo đó có 9 nhiệm vụ trọng tâm mà cán bộ, công chức, viên chức của Sở, đơn vị trực thuộc Sở, Phòng Tư pháp cấp huyện phải thực hiện như sau: 

Thứ nhất: Thực hiện việc thẩm định 100% các dự thảo văn bản QPPL theo quy định; nâng cao chất lượng trong công tác thẩm định các dự thảo VBQPPL do các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo trước khi trình HĐND, UBND ban hành. Trong các báo cáo thẩm định cần cho ý kiến cụ thể về các nội dung của dự thảo VBQPPL xem đã phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay chưa.

Thứ hai: Tăng cường công tác rà soát, hệ thống hoá VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành để kịp thời phát hiện những văn bản không phù hợp với các cam kết của Việt Nam với WTO, trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ đối với các văn bản QPPL đó.

Thứ ba: Thực hiện nghiêm túc Nghị định 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra và xử lý VBQPPL. Phấn đấu tổ chức kiểm tra 100% VBQPPL do HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã ban hành.

Thứ tư: Tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chỉ thị 32-CT/TW ngày 19/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 35-CT/TW ngày 27/4/2004 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, Quyết định 13/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình PBGDPL từ năm 2003 đến 2007, Chương trình hành động quốc gia về PBGDPL từ năm 2005 đến 2010.

Thứ năm: Thực hiện tốt công tác Trợ giúp pháp lý, tăng cường năng lực cho đội ngũ cộng tác viên TGPL, đáp ứng được nhu cầu TGPL tại văn phòng trung tâm cũng như TGPL tại cơ sở.

Thứ sáu: Tiếp tục thụ lý và giải quyết các việc về hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh; thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ công tác Hộ tịch, chứng thực cho cấp huyện và cấp xã. Quản lý tốt công tác luật sư, giám định theo quy định.

Tổ chức thực hiện cải cách hành chính trong công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp; triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” đối với công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền cấp tỉnh theo sự chỉ đạo của Ban cải cách hành chính tỉnh, đảm bảo phục vụ tốt cho công dân và tổ chức có nhu cầu…

Thứ bẩy: Tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự; kiện toàn, củng cố và nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo THA các cấp, tổ chức THA các cấp. Tập trung giải quyết có hiệu quả những án đã thụ lý có điều kiện nhưng chưa được tổ chức thi hành, giảm mạnh số án tồn đọng, đảm bảo thi hành đúng nội dung bản án, quyết định đã tuyên và đúng trình tự, thủ tục THADS, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác THADS trên địa bàn tỉnh.

Thứ tám: Kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp trong sạch, vững mạnh. Chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, bố trí, sử dụng đúng cán bộ trong các phòng, đơn vị thuộc sở, THA DS tỉnh, THADS huyện…

Thứ 9: Về công tác thanh tra, kiểm tra:

 Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành. Triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành và các hoạt động Tư pháp thuộc phạm vi quản lý của ngành. Giải quyết tốt những khiếu nại, khiếu kiện của công dân, tổ chức trong hoạt động tư pháp; không để xảy ra tình trạng khiếu kiện tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Như vậy để thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU ngày 24/4/2007 của Tỉnh uỷ Lạng Sơn về Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X “về một số chủ trương, chính sách để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới” và “chiến lược biển Việt nam đến năm 2010”, Sở Tư pháp đã xác định  các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh và Nghị quyết Trung ương 4 khoá X./.

Đức Khoa