​Hội đồng PHLN về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Quảng Bình triển khai nhiệm vụ năm 2022

18/02/2022
​Hội đồng PHLN về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Quảng Bình triển khai nhiệm vụ năm 2022
Ngày 17/02/2022, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh (Hội đồng phối hợp liên ngành) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tham dự có các thành viên, thư ký Hội đồng, đại diện lãnh đạo một số ngành, đơn vị có liên quan. Đồng chí Trần Chí Tiến, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng hợp liên ngành tỉnh chủ trì Hội nghị.
Trên cơ sở triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/8/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, TAND tối cao, Viện KSND tối cao về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, Hội đồng phối hợp liên ngành đã được kiện toàn gồm 8 thành viên và tổ giúp việc có 7 người, triển khai hoạt động hiệu quả công tác TGPL trong hoạt động tố tụng cho người dân.
Năm 2021, Trung tâm TGPL nhà nước tăng cường công tác truyền thông về TGPL cho người dân tại 25 điểm; tổ chức 8 hội nghị về TGPL cho 2.350 lượt người là đối tượng khuyết tật và cấp phát miễn phí 5.000 tờ rơi pháp luật TGPL. Đã thụ lý, cử người tham gia tố tụng thực hiện TGPL 191 vụ việc cho 191 đối tượng. Trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 187 vụ việc (chiếm 97,9%%), Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm thực hiện 04 vụ việc (chiếm 2,1%). Trong 191 vụ việc, có 142 vụ việc thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự; 48 vụ việc thuộc lĩnh vực tố tụng dân sự, hôn nhân và gia đình; 01 vụ việc thuộc lĩnh vực tố tụng hành chính. Các đối tượng được TGPL có 38 đối tượng là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, 18 đối tượng là trẻ em, 20 đối tượng là người nghèo, 16 đối tượng là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, 28 đối tượng là người có công với cách mạng, 39 đối tượng là người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, 06 đối tượng là người cao tuổi có khó khăn về tài chính, 19 đối tượng là người khuyết tật có khó khăn về tài chính, 03 đối tượng là thân nhân của liệt sỹ có khó khăn về tài chính, 02 đối tượng là người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính, 01 đối tượng từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính, 01 đối tượng là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình.
Các cơ quan điều tra, Viện KSND, TAND hai cấp, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ tăng cường sự phối hợp, thực hiện hiệu quả những nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, trong đó chú trọng vào một số vấn đề như: tăng cường trách nhiệm, vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, người bị buộc tội, người bị hại và các đương sự khác về quyền được TGPL; phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện TGPL trong việc đánh giá về chất lượng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên; tăng cường cơ chế phản hồi thông tin liên quan đến hoạt động TGPL, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chất lượng vụ việc TGPL, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người thực hiện TGPL, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Chí Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2021, đồng chí đề nghị các ngành là thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành cần triển khai hiệu quả Luật TGPL; Luật Tố tụng hình sự, dân sự, hành chính; Luật Tạm giữ, tạm giam và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội đồng, từng thành viên hội đồng và tổ giúp việc; tăng cường trao đổi thông tin, giới thiệu đối tượng thuộc diện được TGPL giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó duy trì kênh thông tin thường xuyên giữa công an, VKSND, TAND, trung tâm TGPL nhà nước, đoàn luật sư nhằm bảo đảm công tác TGPL. Nâng cao chất lượng, số lượng vụ việc được TGPL thông qua hoạt động truyền thông pháp luật, bằng hình thức tham gia tố tụng để các đối tượng thuộc diện TGPL được trợ giúp kịp thời, hiệu quả, chất lượng.
 
Đoàn Hoà