Bình Định: Kết quả tổ chức triển khai Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh

05/12/2018
Để tổ chức triển khai Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 1507/QĐ-UBND ngày 27/04/2015 Về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP đến cán bộ và người dân trên địa bàn tỉnh; Sở Tư pháp, Sở Nội vụ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện củng cố kiện toàn, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác chứng thực tại Phòng Tư pháp và UBND cấp xã; hàng năm tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác chứng thực cho cán bộ, công chức làm công tác chứng thực tại địa phương.
Sở Tư pháp cũng đã xây dựng kế hoạch và hàng năm tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác chứng thực tại phòng tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã nhằm chấn chỉnh, uốn nắn công tác chứng thực để thực hiện đúng quy định pháp luật.
Theo số liệu thống kê từ các địa phương, từ 10/04/2015 (ngày Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ có hiệu lực pháp luật) đến ngày 30/6/2018, kết quả thực hiện chứng thực trên địa bàn tỉnh như sau:
11 Phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính 71.455 bản, số lệ phí thu được 297.059.000 đ; thực hiện 48 việc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản, số tiền lệ phí thu được 540.000 đ, thực hiện 13.434 việc chứng thực chữ ký của người dịch số tiền lệ phí thu được 134.510.000 đ, thực hiện chứng thực 269 hợp đồng, giao dịch, số tiền lệ phí thu được 19.460.000 đ;
159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính 3.699.837 bản, số lệ phí thu được 14.322.304.800 đ; thực hiện 74.182 việc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản, số tiền lệ phí thu được 922.916.880đ; thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch 44.769 việc, số tiền lệ phí thu được 2.175.343.000 đ.
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác chứng thực theo quy định Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, trong quá trình thực hiện có một số vướng mắc, hạn chế như quy định pháp luật tại một số văn bản còn chưa thống nhất; Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ chưa quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục chứng thực văn bản thuận thỏa thuận phân chia di sản, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản khai nhận di sản. Do đó gây khó khăn, lúng túng cho Phòng Tư pháp, UBND cấp xã khi giải quyết hồ sơ yêu cầu chứng thực các loại giao dịch trên; Biên chế, cơ sở vật chất ở một số địa phương còn hạn chế; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm của một số cán bộ, công chức làm công tác chứng thực còn chưa đáp ứng với nhiệm vụ trong giai đoạn mới; Lĩnh vực chứng thực cùng lúc chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân – gia đình và rất nhiều các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành...
Để công tác này thuận lợi, Bình Định đề xuất Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Chứng thực; có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về chứng thực nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ công chức Tư pháp thực hiện công tác chứng thực; Có giải pháp để bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức làm công tác chứng thực của Phòng Tư pháp, UBND cấp xã giải quyết hồ sơ cho công dân nhanh chóng, thuận lợi, chính xác và hiệu quả hơn...
 
Sở Tư pháp Bình Định