Thái Bình đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về quyền dân sự, chính trị

05/12/2018
Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ viên chức, công chức và nhân dân về nội dung Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR) và pháp luật Việt Nam; ngày 06/5/2015, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 889/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015-2020” (Đề án) trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Với tinh thần, ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước ICCPR thì việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những nội dung cơ bản, những quy định quan trọng của Công ước cũng như các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trong thời gian qua luôn được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng và thật sự cần thiết.  Trong 04 năm từ 2015-2018, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 18.580 hội nghị triển khai công tác PBGDPL cho 1.869.367 đại biểu, trong đó có thực hiện trực tiếp và lồng ghép triển khai Đề án; tình hình thực hiện các quyền dân sự, chính trị và những thành tựu đạt được của Việt Nam về bảo đảm quyền dân sự, chính trị; các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các lĩnh vực pháp luật dân sự, hình sự, hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đất đai, khiếu nại, tố cáo, lao động, giao thông, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, hôn nhân và gia đình, phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... 
Ngành Tư pháp phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp tại Quyết định 452/QĐ-BTP ngày 11/3/2015 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân giai đoạn 2015 - 2020”. Tổ chức hàng trăm hội nghị tập huấn Công ước ICCPR lồng ghép cùng các văn bản pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị (trọng tâm là những quy định mới trong Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tiếp cận thông tin, Luật trợ giúp pháp lý, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Hiến pháp năm 2013, Luật Hôn nhân gia đình 2014, Luật Đất đai 2013, Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015...…)
Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công các cuộc thi góp phần làm nền tảng và nhân rộng sinh hoạt chính trị, pháp lý cho mọi tầng lớp nhân dân như cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” , phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021”. Tổ chức 128 hội nghị phổ biến Hiến pháp 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai…. Biên soạn nhiều loại tài liệu tuyên truyền với hình thức hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp  luật như " Một số câu hỏi đáp về bộ luật dân sự" và "Một số tình huống giải quyết theo quy định mới của Bộ luật dân sự" … phát cho 286 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh để tuyên truyền trên loa truyền thanh.
Ngoài ra, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức lồng ghép việc bồi dưỡng pháp luật về quyền dân sự, chính trị trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức của địa phương. Bồi dưỡng cho những người làm công tác PBGDPL, đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp, giáo viên giảng dạy môn pháp luật, giáo dục công dân ở các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Các ngành thành viên của Hội đồng PBGDPL các cấp đều tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nội dung Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được quy định tại  Hiến pháp năm 2013 và các Bộ luật, Luật mới ban hành.
Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh triển khai nội dung Đề án và Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh cho cán bộ; chỉ đạo, hướng dẫn TAND, VKSND các huyện, thành phố phổ biến pháp luật về quyền dân sự,chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân qua hoạt động truy tố, xét xử, các phương tiện thông tin đại chúng... Tòa án nhân dân tỉnh hàng tháng đều tổ chức các buổi tập huấn trực tuyến toàn ngành về các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành nhằm tăng cường kiến thức pháp luật chuyên ngành cho cán bộ trong ngành. Riêng năm 2018, TAND 2 cấp đã tổ chức  xét xử lưu động 26 vụ án các loại. Qua công tác xét xử lưu động, công tác tiếp dân, làm việc với đương sự đã PBGDPL cho người dân về các quyền dân sự, chính trị, các thủ tục tố tụng tại Tòa án, góp phần giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Thanh tra tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp, kĩ năng giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng…; phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng cho cán bộ, công chức cấp xã. Tích cực tham mưu giúp Ủy ban bầu cử tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết khiến nại, tố cáo trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND khóa XIV; đã tiếp nhận giải quyết xong trước ngày bầu cử 121/121 đơn (đạt 100%)  liên quan đến công tác bầu cử, nhân sự đại biểu HĐND các cấp.
Các tổ chức chính trị - xã hội, điển hình như Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã vận động hội viên và nhân dân tìm hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ về dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp và các đạo luật do Quốc hội ban hành; chỉ đạo các cấp hội thực hiện phổ biến Đề án gắn với công tác PBGDPL và Ngày pháp luật Việt Nam. Mở 73 lớp tuyên truyền cho 10.200 lượt cán bộ hội  và hội viên phụ nữ về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Nghĩa vụ quân sự,  những điểm mới của Hiến pháp 2013… Phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Luật gia tỉnh tổ chức 63lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho báo cáo viên, tuyên truyền viên của hội Bộ luật dân sự 2015, Luật Đất đai 2014, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi… Duy trì hiệu quả 1.956 “Địa chỉ tin cậy” trong phòng chống bạo lực gia đình.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban chuyên môn của huyện và UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện Đề án trong phạm vi quản lý. Các Phòng Tư pháp tham mưu UBND huyện, thành phố tổ chức hàng trăm hội nghị phổ biến Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Bộ Luật Hình sự năm 2015…. cho cán bộ, công chức cấp xã, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng và nhân dân. Tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến trực quan qua tranh in cổ động, pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, xe tuyên truyền lưu động tại các phiên chợ, lễ hội, phát các tài liệu tuyên truyền.
Sau 4 năm triển khai Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015-2020” trên địa bàn tỉnh đã giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về các quyền dân sự, chính trị; từ đó tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quyền dân sự, chính trị của con người và công dân.
                                                                                    Hạnh Nga
                                                                          Sở Tư pháp Thái Bình