Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác trợ giúp pháp lý (TGPL), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg (1/6/2015) phê duyệt Đề án Đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025 về tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước. Cụ thể đối với hoạt động câu lạc bộ (CLB) TGPL đã hướng dẫn thực hiện rà soát để có giải pháp sáp nhập hoặc giải thể. Qua khảo sát, Sở Tư pháp Hà Nam thống nhất với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh sáp nhập CLB trợ giúp pháp lý vào CLB Phụ nữ với pháp luật. Sau gần một năm thực hiện, mô hình “kép” CLB pháp luật đã ghi nhận được những kết quả tích cực bước đầu.
Theo thống kê cuả Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, trước thời điểm sáp nhập, trên địa bàn tỉnh có 30 CLB trợ giúp pháp lý do ngành Tư pháp chủ trì. Mỗi tháng các Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt 1 lần, thu hút khoảng 30 – 50 người tham gia. Ban chủ nhiệm CLB thường có từ 3 - 5 thành viên, gồm: Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND xã, thị trấn là chủ nhiệm, công chức Tư pháp là phó chủ nhiệm, thành viên gồm cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên hoặc Mặt trận Tổ quốc xã, thị trấn. Một trong những vấn đề tồn tại ở tất cả các địa phương có tác động trực tiếp đến hoạt động Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đó là sự phát triển về số lượng các mô hình CLB nói chung, CLB về pháp luật nói riêng. Trên thực tế, hầu hết mỗi hội, đoàn thể đều thành lập ít nhất một CLB, đơn cử như Hội Liên hiệp phụ nữ có tới hơn 5 Câu lạc bộ (CLB Gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ Đồng cảm, Câu lạc bộ Trẻ em trai, Câu lạc bộ Trẻ em gái, CLB Trẻ vị thành niên, Câu lạc bộ Hát dân ca…). Hoặc có những Câu lạc bộ về pháp luật như: Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, CLB Phụ nữ với pháp luật, CLB Thanh niên nói không với tệ nạn xã hội… Trong khi đó, đối tượng tham gia những CLB đó thường trùng nhau. Tuy chức năng, nội dung sinh hoạt của mỗi CLB đều có nét đặc thù nhưng cùng có điểm chung về sự tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giải đáp thắc mắc về pháp lý cho các hội viên. Dẫn đến tình trạng thời gian người dân tham gia sinh hoạt các CLB chồng chéo, nội dung về phổ biến pháp luật lại trùng lặp. Chức năng TGPL cho các đối tượng được TGPL của Câu lạc bộ TGPL trở nên mờ nhạt, thiếu hấp dẫn. Tất cả những khó khăn, vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động, đặc biệt là tính bền vững của mô hình Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý – vốn có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn. Trên cơ sở báo cáo khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các CLB trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, sở Tư pháp đã thống nhất với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh sáp nhập CLB trợ giúp pháp lý vào Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật. Đến nay 100% Câu lạc bộ TGPL đã được sáp nhập với Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, dưới sự điều hành của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp.
Một trong những mô hình CLB Phụ nữ với pháp luật phát huy được hiệu quả sau khi sáp nhập là Hội liên hiệp phụ nữ xã Bình Nghĩa (Bình Lục). Chị Trần Thị Tin - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Bình Nghĩa cho biết: Từ khi sáp nhập CLB trợ giúp pháp lý vào CLB Phụ nữ với pháp luật tới nay, ban chủ nhiệm CLB đã tiến hành phối hợp với các ngành chức năng TGPL, tư vấn pháp luật cho 7 trường hợp là nạn nhân của bạo lực gia đình và 17 trường hợp có ý kiến thắc mắc về một số vấn đề như tiêu chí bình xét hộ nghèo, cận nghèo; giải quyết chế độ chính sách… Trước đây, hoạt động của CLB Phụ nữ với pháp luật chủ yếu phổ biến những quy định mới của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới thành viên CLB như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự. Hiện tại, CLB đã mở rộng về quy mô cũng như chức năng nhiệm vụ. Nội dung phổ biến cũng được bổ sung thêm nhiều văn bản pháp luật quan trọng, liên quan trực tiếp tới đời sống nhân dân. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, CLB Phụ nữ với pháp luật xã Bình Nghĩa còn có chức năng tư vấn, TGPL cho các đối tượng thuộc diện được TGPL như hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ vị thành niên, nạn nhân của bạo lực gia đình… Bên cạnh đó, CLB Phụ nữ với pháp luật còn mở rộng đối tượng tư vấn, TGPL tới đông đảo nhân dân nếu có thắc mắc phát sinh. Giống như các CLB khác, CLB Phụ nữ với pháp luật xã Bình Nghĩa cũng gặp khó khăn về kinh phí (không có nguồn kinh phí do là tổ chức tự nguyện) trong tổ chức, hoạt động. Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn, CLB đã có những sáng tạo trong thực hiện hoạt động. Nhận thấy việc tổ chức sinh hoạt thường xuyên hằng tháng, tuy duy trì về số lượng nhưng khó bảo đảm sự phong phú, hợp lý về mặt nội dung, lại tốn kém về chi phí. CLB Phụ nữ với pháp luật xã Bình Nghĩa chỉ tổ chức sinh hoạt thường kỳ 6 tháng/lần để triển khai những đầu mối công việc chung nhất, ghi nhận kết quả và đánh giá, tổng hợp kinh nghiệm, cách làm hay, tuyên truyền nội dung các văn bản pháp luật mới, gắn bó mật thiết với tình hình thực tế địa phương. Thay vào đó, mỗi thành viên trong ban chủ nhiệm CLB - vốn là những cán bộ chủ chốt phụ trách nhiều mặt công tác của xã - sẽ kết hợp phổ biến pháp luật, tư vấn pháp lý (nếu có thành viên CLB đề xuất), tích cực lồng ghép trong các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Việc sáp nhập CLB trợ giúp pháp lý vào CLB Phụ nữ với pháp luật đã phần nào khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó đã phát huy được những hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận. Thời gian tới, cần phải có những sáng tạo, đổi mới hơn nữa để hoạt động TGPL - nội dung sinh hoạt mới của CLB Phụ nữ với pháp luật - được triển khai thực hiện sâu rộng, thực sự trở thành hoạt động ý nghĩa đối với không chỉ các thành viên CLB mà còn phục vụ lợi ích toàn dân./.
Cẩm Tú