Ninh Bình: Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

15/12/2016
Thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho các đối tượng thuộc diện được TGPL nói chung và người khuyết tật nói riêng, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, sự phối kết hợp của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh, hoạt động TGPL cho người khuyết tật thông qua các hình thức TGPL khác nhau đã đạt được những kết quả nhất định, tuy chưa thực sự chuyên sâu nhưng bước đầu đã tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận với hoạt động TGPL.
Trong những năm qua, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Ninh Bình (Trung tâm) phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức các buổi đối thoại chính sách pháp luật và TGPL cho người khuyết tật, thân nhân của người khuyết tật tại địa bàn các huyện, thành phố, thông qua các hội nghị tuyên truyền pháp luật đã tư vấn, giải đáp những vướng mắc cho hơn 1000 trường hợp chủ yếu thuộc các lĩnh vực về chính sách của người khuyết tật.
Đặc biệt năm 2016, Trung tâm đã phối hợp với Hội người khuyết tật tỉnh và Hội người khuyết tật một số huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho người khuyết tật tại cơ sở. Thông qua các hội nghị tuyên truyền pháp luật cho người khuyết tật tại cơ sở, các Trợ giúp viên pháp lý và Cộng tác viên của Trung tâm đã tư vấn, giải đáp pháp luật cho 82 trường hợp, chủ yếu thuộc các lĩnh vực chính sách, đất đai, dân sự…phát hàng nghìn tờ gấp tuyên truyền các chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật; bên cạnh đó, các Trợ giúp viên pháp lý và Cộng tác viên còn hướng dẫn người nhà của người khuyết tật về các trình tự, thủ tục, hồ sơ được hưởng trợ cấp xã hội.
Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật mà người thực hiện TGPL còn đến tận nơi ở của người khuyết tật để giúp đỡ họ hoàn thành hồ sơ, làm đại diện thực hiện các thủ tục pháp lý khi cần thiết, liên hệ với các cơ quan chức năng để giải quyết giúp họ thông qua hình thức đại diện ngoài tố tụng. Đặc biệt, công tác truyền thông pháp luật về TGPL thông qua các hình thức phù hợp hướng tới đối tượng người khuyết tật và đông đảo các tầng lớp nhân dân để người khuyết tật hoặc người thân của họ biết được quyền của mình khi có vướng mắc về pháp luật.
Đa số những vướng mắc của người khuyết tật thường xoay quanh các chế độ bảo trợ xã hội giành cho người khuyết tật, về trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp xã hội, các vấn đề liên quan đến quyền của người khuyết tật. Bên cạnh đó, việc đi lại, nghe, nói, trao đổi của người khuyết tật rất hạn chế nên họ không thể đến các địa điểm tuyên truyền để được tư vấn, giải đáp pháp luật. Chưa kể, với trường hợp bị khuyết tật về nghe, nói thì việc tiếp cận TGPL càng khó khăn hơn bởi họ chỉ có thể truyền tải các thông tin bằng cử chỉ, hình ảnh. Vì vậy, để chính sách TGPL đến được với nhiều người khuyết tật khi có nhu cầu, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động TGPL đối với người khuyết tật. Thực tế cho thấy, việc tham gia vào hoạt động TGPL đối với người khuyết tật đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân rất hạn chế vì thiếu nguồn nhân lực. Vì vậy, đòi hỏi đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TGPL cho người khuyết tật, bảo đảm quyền được TGPL cho người khuyết tật theo hướng giải quyết thỏa đáng giữa việc quản lý Nhà nước với vai trò tự quản của các tổ chức xã hội tham gia TGPL. Mở rộng mạng lưới cộng tác viên TGPL tại cơ sở, huy động sự tham gia đóng góp của các cấp, các ngành cho hoạt động này.
Với những đóng góp của công tác TGPL cho người khuyết tật trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người khuyết tật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế hoạt động TGPL mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của cộng đồng người khuyết tật; ước tính còn hàng nghìn người khuyết tật chưa được tiếp cận với các dịch vụ TGPL. Nguyên nhân khiến người khuyết tật chưa tiếp cận được với hoạt động này là do những rào cản về dạng tật, ngôn ngữ giao tiếp; do thiếu nguồn lực dành cho hoạt động TGPL, chất lượng hoạt động chưa đồng đều; số vụ việc TGPL do cộng tác viên thực hiện mới chỉ tập trung ở lĩnh vực tư vấn pháp luật; do ngân sách địa phương hạn hẹp, chưa bố trí kinh phí riêng nên hoạt động TGPL cho người khuyết tật chủ yếu được lồng ghép theo các chương trình khác.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên và nâng cao hiệu quả công tác này, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm quyền được TGPL của người khuyết tật; trong thời gian tới, cần thiết phải xây dựng mô hình TGPL cho người khuyết tật có hiệu quả. Cùng với đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động TGPL đối với người khuyết tật cũng hết sức quan trọng. Tăng cường truyền thông pháp luật về TGPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với những hình thức phù hợp, đồng thời tiến hành các hoạt động tập huấn cho đội ngũ những người thực hiện TGPL để họ có điều kiện tiếp cận với người khuyết tật.
Hy vọng trong thời gian tới, với sự đổi mới, đa dạng hình thức hoạt động trong công tác TGPL, các chính sách pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật sẽ đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, đóng góp sức mình cho sự phát triển chung của xã hội.
Đoàn Thị Ngọc Hải