Khánh Hòa: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách tư pháp

12/12/2016
Khánh Hòa: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách tư pháp
Đây là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh tại Hội nghị đánh giá công tác cải cách tư pháp (CCTP) năm 2016 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 vừa được tổ chức vào ngày 28/11/2016.
 Năm 2016, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp đã giải quyết 7.980/8.013 vụ, việc các loại (đạt 99,6%), trong đó TAND tỉnh đã thụ lý, giải quyết 737/750 vụ, việc (đạt 98,3%); TAND cấp huyện đã giải quyết 7.243/7.263 vụ, việc (đạt 99,7%). Án bị hủy là 18 vụ/7.980 vụ (chiếm 0,22%). Án hình sự trả hồ sơ điều tra bổ sung được viện kiểm sát chấp nhận là 314/321 vụ. Thường xuyên phối hợp với VKSND, công an tổ chức tốt các phiên tòa xét xử lưu động tại những địa bàn xảy ra vụ án nhằm tuyên truyền, giáo dục, giúp Nhân dân biết được các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để chủ động phòng ngừa. Các vụ án đưa ra xét xử đều tuân thủ chặt chẽ pháp luật cả về nội dung và thủ tục xét xử; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Số án bị hủy, bị sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm và ở mức thấp; không có án hủy do oan, sai.
Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp đã thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; thực hiện nhiều biện pháp đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Toàn ngành đã kiểm sát giải quyết 1.234 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm sát điều tra 1.344 vụ án hình sự với 1.665 bị can (tăng 7,7%). Đã xử lý, giải quyết 901/962 vụ án hình sự thụ lý với 1.346/1.466 bị can (đạt 93,7%), trong đó truy tố 893 vụ với 1.332 bị can (chiếm 99,1%). Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục sơ thẩm 843 vụ với 1.250 bị cáo (tăng 13,9%) và theo thủ tục phúc thẩm 225 vụ với 286 bị cáo (tăng 16,6%). Qua kiểm sát, không phê chuẩn, hủy bỏ 35 quyết định của cơ quan điều tra; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xác định 46 vụ án điểm, xét xử lưu động 128 vụ án hình sự, giải quyết theo thủ tục rút gọn 02 vụ, tổ chức 28 phiên tòa rút kinh nghiệm; ban hành 17 kháng nghị phúc thẩm và báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm 12 vụ.
Cơ quan công an các cấp triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý hành chính và chỉ đạo tập trung lực lượng làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm. Công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai. Nhiều vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được điều tra, làm rõ chỉ trong thời gian ngắn
Ngành Thi hành án dân sự tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật đúng trình tự quy định của pháp luật; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành các vụ án lớn, phức tạp, kéo dài. Đã giải quyết xong 8.294 việc, đạt 78,48% (giảm 5,97% so với cùng kỳ năm 2015) với tổng số tiền gần 538 tỷ đồng. Số việc chuyển sang kỳ sau là 4.760 việc với tổng số tiền hơn 1.240 tỷ đồng.
Công tác giám sát của HĐND đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp được tăng cường; thông qua công tác giám sát, một số vụ, việc khiếu nại, tố cáo phức tạp của công dân đã được kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Công tác chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND trong các kỳ họp HĐND đối với hoạt động của cơ quan tư pháp được chú trọng. Tại những kỳ họp HĐND, cơ quan tư pháp đều có báo cáo cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan mình và trả lời những ý kiến chất vấn của đại biểu.
Chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân– Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, TAND tỉnh cần phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án kết nối đường truyền, phát trực tiếp diễn biến phiên tòa đến VKSND tỉnh và Công an tỉnh để theo dõi, phục vụ việc nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong hoạt động tố tụng; đồng thời, phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy xác định phiên tòa cần phát theo dõi trực tiếp, báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy. Sở Tư pháp thường xuyên theo dõi, nắm tình hình hoạt động của cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp, chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp tại địa phương; xây dựng mô hình để các chuyên gia trong các tổ chức hội nghề nghiệp (Hội kiến trúc sư, Hội khoa học - kỹ thuật xây dựng…) tham gia vào hoạt động giám định tư pháp. Cấp ủy các địa phương chỉ đạo UBND cùng cấp thực hiện nghiêm việc cử người đại diện tham gia tố tụng hành chính và cung cấp chứng cứ, tài liệu cho tòa án khi có yêu cầu, nhất là các vụ án liên quan đến nhà, đất theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.”
NGỌC MINH