Thực hiện Kế hoạch Kiểm tra về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2016 (Kế hoạch số 28/KH-HĐTT ngày 01/8/2016 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Quảng Ninh), Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Đoàn kiểm tra (theo Quyết định số 98/QĐ-HĐTT ngày 01/8/2016) và thực hiện kiểm tra tại các cơ quan tiến hành tố tụng ở các huyện, thành phố: Hải Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Uông Bí trong tháng 8/2016.
Vừa qua, Hội đồng phối hợp liên ngành trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã ra thông báo số 1123/TB-HĐLNTGPL về kết quả kiểm tra tại các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn thành phố Uông Bí, các huyện Hải Hà, Bình Liêu, Tiên Yên theo kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2016.
Đoàn kiểm tra đã thực hiện đúng, nghiêm túc các quy định của Thông tư số 11/2013 với các nội dung, theo kế hoạch đã đề ra, tổng hợp đầy đủ ý kiến đề xuất từ các đơn vị, đồng thời hướng dẫn cho cơ quan tiến hành tố tụng của các địa phương về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.
Qua trực tiếp kiểm tra hồ sơ và báo cáo từ các đơn vị, báo cáo từ thành viên của Đoàn kiểm tra, cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng được kiểm tra tại các địa phương đều đã chuẩn bị báo cáo, hồ sơ vụ việc và các nội dung được kiểm tra theo đúng yêu cầu Kế hoạch số 28/KH-HĐTT đã đề ra. Việc niêm yết công khai Bảng thông tin và Hộp tin TGPL tại trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giữ cơ bản được thực hiện nghiêm túc, thống nhất theo quy định và ở vị trí thuận lợi cho người dân đến tìm hiều.
Tuy nhiên, còn một số đơn vị sử dụng Bảng thông tin đã cũ, mờ chữ; các Nhà tạm giữ chưa niêm yết Tờ thông tin về TGPL theo quy định; tờ gấp về TGPL trong Hộp tin sử dụng mẫu cũ, chưa cập nhật nội dung về người được TGPL theo sự thay đổi của pháp luật.
Đa số các đơn vị mới chỉ chú trọng đến việc phát hiện, giải thích cho đối tượng thuộc diện TGPL là bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự, đối với người tham gia tố tụng khác (như: người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, đương sự trong các vụ án hành chính,…) chưa thực sự được chú trọng, việc giải thích còn ít, chưa đều đặn trong tất cả các vụ án. Việc giải thích về quyền được TGPL đã được thực hiện nhưng có đơn vị chưa thể hiện rõ nét trong hồ sơ do còn lúng túng trong quá trình ghi biên bản; một số đơn vị chưa cập nhật nội dung Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC vào biên bản giải thích.
Tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các cơ quan tiến hành tố tụng, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cấp tỉnh cũng đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng, các ngành thành viên triển khai thực hiện một số nội dung:
Tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC; kịp thời khắc phục những hạn chế trong thời gian qua. Các đơn vị đã bị hư hỏng Bảng thông tin, Hộp tin TGPL, Tờ thông tin TGPL và thiếu tờ gấp pháp luật thông báo bằng văn bản về Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ninh để có kế hoạch đề nghị cấp bổ sung theo quy định.
Việc ghi biên bản giải thích cho người được TGPL là bị can, bị cáo, người bị hại, người tham gia tố tụng khác trong các vụ án phải thể hiện được các nội dung: đã giải thích về những người thuộc diện được TGPL theo quy định của pháp luật; nếu bị can, bị cáo, người bị hại, người tham gia tố tụng khác thuộc diện TGPL thì họ có nhu cầu TGPL hay không. Các đơn vị có thể lập biên bản giải thích riêng hoặc ghi chung trong biên bản lấy lời khai. Nếu phát hiện bị can, bị cáo, người bị hại, người tham gia tố tụng khác thuộc diện và có nhu cầu TGPL, các đơn vị cần hướng dẫn họ viết đơn, thủ tục yêu cầu TGPL miễn phí và thông báo về Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ninh để kịp thời cử người thực hiện TGPL cho họ.
Các đơn vị đã bị hỏng hộp tin, bảng tin đề ghị gửi văn bản về trung tâm trợ giúp pháp lý để xem xét cấp bổ sung theo quy định. Thời gian tới cần thay thế toàn bộ các bảng thông tin trợ giúp pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ghi nhận về kết quả, đề xuất ý kiến nêu trên, báo cáo cũng ghi nhận một số tồn tại, hạn chế như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng như: việc thực hiện giải thích về quyền được TGPL và việc xác minh đối tượng thuộc diện TGPL trong các vụ án còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện đặc thù của một số địa phương tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật còn thấp, địa bàn xa xôi, nhiều xã miền núi, xã thuộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Một số Bảng thông tin, hộp tin về TGPL và tờ gấp pháp luật xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được bổ sung kịp thời; việc cập nhật mẫu đơn yêu cầu TGPL, tờ gấp pháp luật và danh sách người thực hiện TGPL chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời để cung cấp cho người dân có nhu cầu tìm hiểu; trên địa bàn các huyện miền Đông của tỉnh chưa có tổ chức hành nghề luật sư nên rất khó khăn cho người thuộc diện TGPL trong việc tiếp cận dịch vụ pháp luật; chưa có hướng dẫn thống nhất về cách ghi biên bản về việc giải thích quyền được TGPL cho bị can, bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng.
Những vấn đề trên, Đoàn kiểm tra đã hướng dẫn kịp thời để bổ sung và hoàn thiện. Đồng thời tiếp nhận các đề xuất kiến nghị của các đơn vị để báo cáo Hội đồng phối hợp liên ngành của tỉnh để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.
Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cấp tỉnh đánh giá cao kết quả trên của các đơn vị trong thời gian qua đồng thời đề nghị các đơn vị phát huy kết quả đã đạt được và rút kinh nghiệm chung, kịp thời khắc phục các hạn chế, tồn tại để thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh./.
Trần Cường-Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ninh