Công tác quản lý thi hành pháp luật về XLVPHC 09 tháng đầu năm 2016 của Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên

05/10/2016
Với nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trong 09 tháng đầu năm 2016, công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do Sở Tư pháp thực hiện đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trên cơ sở Kế hoạch số 17/KH-UBND theo dõi thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính năm 2016 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 31/3/2016  của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc Thành lập Đoàn Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính tại huyện Đại Từ, huyện Định Hóa và thành phố Thái Nguyên, trong 09 tháng đầu năm 2016, Sở Tư pháp đã chủ động triển khai và kết quả đạt được như sau:
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, để tăng cường trách nhiệm của các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đối với công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời nâng cao nhận thức pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Quyết định được ban hành sẽ góp phần triển khai kịp thời, có hiệu quả, đồng bộ Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn toàn tỉnh, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật. Trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiến hành rà soát, theo dõi việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời phát hiện các quy định không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn toàn tỉnh.
Công tác kiểm tra và báo cáo công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính tại địa phương: Hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch để triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Quyết định Thành lập Đoàn Kiểm tra theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các văn bản trên, Đoàn kiểm tra đã tiến hành thu thập các hồ sơ xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường các huyện: Đại Từ, Định Hóa và thành phố Thái Nguyên; Chủ tịch một số UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót, hạn chế, hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, giúp cho UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt hơn vai trò quản lý nhà nước ở địa phương, ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo pháp chế.
Song song với hoạt động kiểm tra, Sở Tư pháp cũng đã tiến hành hoạt động điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thông qua phiếu điều tra, khảo sát. Đối tượng được điều tra, khảo sát là các cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; các cán bộ công chức tham mưu trong công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính và người dân trên địa bàn tỉnh.
Công tác báo cáo thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương cũng được Sở Tư pháp nghiêm túc thực hiện. Là đầu mối tiếp nhận báo cáo của UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, định kỳ 06 tháng và hàng năm, Sở Tư pháp đều tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định đảm bảo đúng thời hạn và chất lượng báo cáo theo yêu cầu.
Công tác phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương: Để triển khai thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả, công tác phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được Sở Tư pháp đặc biệt chú trọng. Với vai trò là cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, hàng năm Sở Tư pháp đều mở các lớp bồi dưỡng, tọa đàm trao đổi thảo luận pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong 09 tháng đầu năm 2016, Sở Tư pháp đã tổ chức 06 cuộc tọa đàm cho hàng trăm đối tượng, nhằm đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh. Tham dự tọa đàm là Chánh thanh tra các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh; Lãnh đạo và chuyên viên các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố, thị xã. (Đây là các cá nhân có thẩm quyền xử phạt và các cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu cho các cá nhân có thẩm quyền xử phạt tại các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã). Trong 03 tháng cuối năm, Sở Tư pháp sẽ tổ chức 02 cuộc tọa đàm tiếp theo cho các đối tượng là Chủ tịch và Trưởng Công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
 Thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm, Sở Tư pháp đã kịp thời tổng hợp các đề xuất, kiến nghị, các khó khăn, vướng mắc của các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh, sau đó trình Bộ Tư pháp và UBND tỉnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương.
Có thể nói, công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 9 tháng đầu năm 2016 của Sở Tư pháp Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.  Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật; ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm hành chính; đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân; tăng cường trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
                                                        Trần Nội – STP Thái Nguyên