UBND tỉnh Bình Định: Tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

11/09/2015
Thực hiện Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13 ngày 13/7/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 14/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), chiều ngày 8-9/2015, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Ông Lê Văn Toàn - Giám đốc Sở Tư pháp thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
 

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND và Phòng Tư pháp 11 huyện, thị xã, thành phố và 4 đơn vị đại diện cho UBND cấp xã gồm: xã Hoài Hải (Hoài Nhơn), Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh), thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) và phường Lê Hồng Phong (T/p Quy Nhơn).

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận của 10 đơn vị gồm: Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hoài Ân, Phù Cát, An Nhơn, thành phố Quy Nhơn và UBND các xã xã Hoài Hải (Hoài Nhơn) Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh) thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) và phường Lê Hồng Phong (T/p Quy Nhơn). Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung thảo luận, góp ý trực tiếp các vấn đề,những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của sở, ngành mình và những vấn đề mà sở, ban, ngành, đoàn thể quan tâm có liên quan đế dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đa số các đại biểu đánh giá dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tinh thần đổi mới của Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, các ý kiến đóng góp thảo luận 8 vấn đề trọng tâm, trong đó, tập trung chủ yếu vào vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế; việc bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới…Theo đó, đa số các ý kiến tán thành việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) bởi vì, xuất phát từ tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân ở Việt Nam trong những năm gần đâymang tính phổ biến, với mức độ nguy hiểm ngày càng cao, gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội và cho đời sống của người dân, đòi hỏi cần phải có giải pháp để ngăn chặn loại hành vi này. Trong khi đó, những bất cập, hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành khi xử lý hành vi vi phạm của pháp nhân, nhất là các bất cập liên quan đến mức xử phạt hành vi vi phạm, trình tự, thủ tục của việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính hay nghĩa vụ phải tự mình chứng minh thiệt hại trong thủ tục đòi bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự đang làm cho việc xử lý đối với những hành vi vi phạm do pháp nhân gây ra không hiệu quả, gây khó khăn cho người dân - đối tượng bị thiệt hại chính rất khó, thậm chí không thể đòi bồi thường thiệt hại. Nhưng để đảm bảo tính chính xác trong việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân trong pháp nhân. Về việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, các ý kiến đều thống nhất theo hướng giảm hình phạt tử hình để phù hợp với Hiến pháp và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; tuy nhiên, cần có quy định cụ thể đối với một số tội danh liên quan đến ma túy, tham nhũng. Đa số các đại biểu đều đồng tình phương án cụ thể hóa hành vi phạm tội có tính chất cố ý làm trái trong các lĩnh vực kinh tế và quy định thành các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực để thay thế cho tội danh này, tạo sự minh bạch, tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để xử lý tội phạm. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần định hướng theo hình thức răn đe là chủ yếu... 

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung của dự thảo Bộ luật, đa số ý kiến đại biểu tham dự không đồng thuận vì không phù hợp với thực tiễn. Đối với vấn đề dự thảo Luật quy định bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ, một số đại biểu không tán thành quy định này. Theo một số đại biểu thì Ban soạn thảo cần thận trọng với quy định, cơ chế chuyển đổi này. Bởi vì, quy định thư thế, các cá nhân phạm tội bị tòa tuyên án... phải đóng tiền phạt (hình phạt chính) hoặc cải tạo không giam giữ nhưng nếu không có tiền đóng phạt hoặc không chấp hành hình phạt thì phải ngồi tù. Quy định này dễ khiến cho người ta có cảm tưởng rằng pháp luật bảo vệ cho những người giàu, có tiền, có tài sản sẽ không bị ngồi tù; còn người nghèo, không có tiền, tài sản sẽ bị ngồi tù khi cùng bị kết án với một tội danh như nhau. Điều này là tạo ra sự bất bình đẳng, không công bằng trong xã hội, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân vào pháp luật và công lý.

Kết luận Hội nghị, ông Lê Văn Toàn - Giám đốc Sở Tư pháp thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu. Đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương báo cáo kết quả việc tham gia góp ý của cơ quan, đơn vị mình theo đúng nội dung, tiến độ mà Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 2727/QĐ-UBND ngày 05/8/2015 của UBND tỉnh Bình Định về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đề ra. Đối với Tổ Thư ký giúp việc tiến hành tổng hợp đầy đủ, chính xác và trung thực các ý kiến tham gia của các đại biểu tại Hội nghị và báo cáo của các cơ quan đơn vị trình Thường trực HĐND, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ theo quy định./.


                                                                        Lê Kim Chinh