Long An: tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)

11/09/2015
Long An: tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)
Ngày 09/9/2015, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Chủ trì Hội nghị Bà Phan Thị Mỹ Dung - Phó Giám đốc Sở Tư pháp; cùng các đại biểu tham dự là đại diện Lãnh đạo: Các Phòng, Trung tâm thuộc Sở Tư pháp; Phòng pháp chế các sở, ngành tỉnh, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh.
 

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) có 443 Điều (tăng 99 Điều so với Bộ luật hình sự hiện hành), trong đó giữ nguyên nội dung 43 Điều, bãi bỏ 06 Điều, bổ sung mới 68 Điều và sửa đổi 329 Điều (trong đó có 51 Điều được tách ra từ 20 Điều của Bộ luật hình sự hiện hành).

Tại Hội nghị các đại biểu tập trung đóng góp những vấn đề trọng tâm của Bộ luật hình sự (sửa đổi) như: Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; về hình phạt trục xuất; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; về chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn; về việc thay thế dấu hiệu tội phạm của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong cấu thành của các tội phạm cụ thể; về việc xử lý hình sự đối với trường hợp trộm cắp tài sản dưới  02  triệu đồng; về việc bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ, thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế;... 

Việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, có tác dụng giáo dục, phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với việc xây dựng pháp luật; phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của cán bộ, công chức trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp để Bộ luật hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống Nhân dân./.

Phan Đức Bộ