Thực trạng tổ chức, hoạt động của tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đắk Nông

22/07/2015
Ngày 18/4/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Doanh nghiệp nhà nước.
 

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tổ chức pháp chế vẫn chưa được kiện toàn, việc xây dựng mô hình tổ chức pháp chế, bố trí cán bộ pháp chế chưa thống nhất, chưa có sự đồng thuận giữa các cơ quan chuyên môn do theo quy định này thì việc thành lập tổ chức pháp chế chỉ mang tính khuyến khích chứ chưa quy định bắt buộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh phải thành lập tổ chức pháp chế để hoạt động. Do tổ chức pháp chế chưa được kiện toàn, nên việc tham mưu thực hiện các nhiệm vụ còn nhiều hạn chế, chưa có sự phối hợp giữa các đơn vị; với tình hình đó tổ chức pháp chế không thể thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 04/7/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định 55). Qua gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị định 55 đã góp phần quan trọng trong việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả của công tác pháp chế tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như doanh nghiệp nhà nước; qua đó, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và bảo vệ lợi ích của Nhà nước.

Với tinh thần đó, sau khi Nghị định số 55 có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 817/QĐ-UBND ngày 28/6/2012 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Đề án “Thành lập, kiện toàn tổ chức pháp chế và nâng cao trình độ cán bộ làm công tác pháp chế ở các Sở, ban, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đắk Nông”; Quyết định số 388/QĐ-UBND ngày 19/3/2013 về việc thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Theo đó, Phòng Pháp chế được thành lập tại các Sở: Nội vụ; Tài chính; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động – Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế. Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Pháp chế được thành lập theo Quyết định số 175/QĐ-UBND ngày 08/02/2012 về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 08 Sở đưa Phòng Pháp chế đi vào hoạt động, 01 Sở ghép Phòng Pháp chế với phòng chuyên môn khác (Sở Tài nguyên và Môi trường), 05 Sở phân công cán bộ thuộc Văn phòng, Phòng Tổ chức cán bộ hoặc Thanh tra phụ trách.

Để các tổ chức pháp chế có cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ ngày 15/01/2015, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BTP hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế. Tuy nhiên, đến nay qua công tác kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế tại các Sở cho thấy, chỉ có 05 Sở đã tham mưu triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế gồm: Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Sở Công thương và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; còn lại các Sở: Nội vụ; Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế bên cạnh việc đạt được một số kết quả nhất định trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản thì công tác pháp chế triển khai còn thụ động; một số công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm chủ trì, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện của tổ chức pháp chế như: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; kiểm soát thủ tục hành chính nhưng do các phòng khác triển khai thực hiện. Nhìn chung việc thực hiện công tác pháp chế chưa hiệu quả, phần lớn các đơn vị chưa chủ động xây dựng kế hoạch công tác năm (trừ hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật).

Những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức pháp chế có thể được lý giải bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ pháp chế còn hạn chế: Nguyên nhân chủ yếu là do đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế đa số chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định về chuyên môn, còn thiếu kinh nghiệm, trong khi đó các nhiệm vụ của tổ chức pháp chế mang tính bao quát, công tác pháp chế lại đòi hỏi kinh nghiệm và am hiểu về pháp luật. Mặt khác, chính sách quan tâm đãi ngộ cho người làm công tác pháp chế chưa phù hợp và tiêu chuẩn cán bộ làm công tác pháp chế quá cao nên các cơ quan khó tuyển dụng được người có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ để làm công tác này.

Thứ hai: Theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 55 Phòng Pháp chế phải thành lập tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh nhưng trong quy định của Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cũng như Thông tư của một số Bộ không quy định Phòng Pháp chế thuộc cơ cấu “cứng” của cơ quan chuyên môn nên dẫn đến tình trạng ở địa phương cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa thống nhất.

Một phần nguyên nhân cũng có thể nhắc đến ở đây là do Sở Tư pháp chưa phát huy hết vai trò của mình trong việc quản lý nhà nước đối với công tác pháp chế.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế trên, cần sự vào cuộc một cách thống nhất, mạnh mẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương. Theo đó:

Trung ương nên có quy định linh hoạt hơn đối với người làm công tác pháp chế, không nhất thiết phải có bằng cử nhân Luật có thể bố trí người có trình độ đại học trở lên nhưng chỉ cần đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế hàng năm do Bộ Tư pháp tổ chức; giảm thời gian làm công tác pháp luật đối với người đứng đầu tổ chức pháp chế xuống còn 3 năm; cần quy định cụ thể về số lượng biên chế tối thiểu cho Phòng Pháp chế thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh; quy định thống nhất về số lượng phòng chuyên môn, nghiệp vụ (gắn với việc thành lập Phòng Pháp chế) cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; có chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế; thường xuyên triển khai Chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế.

Uỷ ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện Nghị định số 55, Quyết định số 388/QĐ-UBND; Bố trí biên chế thực hiện công tác pháp chế theo Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của HĐND tỉnh về quyết định tổng biên chế sự nghiệp năm 2013 và thông qua kế hoạch biên chế hành chính năm 2013 của tỉnh, trong đó bố trí 56 biên chế cho 14 Sở thành lập Phòng Pháp chế; Chỉ đạo Sở Tài chính bố trí kinh phí đối với các khoản chi đặc thù cho việc thực hiện công tác pháp chế như: kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng văn bản QPPL; kiểm tra, rà soát văn bản QPPL…

Lãnh đạo các Sở, ngành cần có nhận thức đúng đắn và lãnh đạo sát sao đối với việc thành lập và hoạt động của tổ chức pháp chế; nghiêm túc thực hiện Nghị định số 55, Quyết định số 388/QĐ-UBND, khẩn trương thành lập và đưa Phòng Pháp chế đi vào hoạt động.

Sở Tư pháp cần tăng cường, nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với công tác pháp chế.

Ninh Kiều