Thực trạng triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

12/06/2015
Việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách là một trong những biện pháp nhằm giúp họ tiếp cận kiến thức pháp luật, góp phần bảo đảm quyền công dân, công bằng xã hội, tăng cường năng lực để đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan công quyền, hạn chế tình trạng tùy tiện, lạm quyền và vi phạm pháp luật. Mặt khác trợ giúp pháp lý cũng được coi là một trong những phương thức tổ chức thực hiện pháp luật, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính.
 

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, UBND tỉnh Ninh Bình, hoạt động TGPL ở Ninh Bình đã có bước tiến triển tích cực trên nhiều lĩnh vực và sâu rộng khắp địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các lĩnh vực TGPL được thực hiện cũng rất đa dạng dẫn đến số vụ việc thực hiện trợ giúp pháp lý hàng năm luôn ở mức cao, trung bình mỗi năm trên 600 vụ việc. Điều này cho thấy nhu cầu TGPL của nhân dân trên địa bàn tỉnh đang ngày càng tăng, hoạt động trợ giúp pháp lý của nhà nước đã ngày càng tạo được uy tín trong lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tổng quan về thực trạng triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý

Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Sau 08 năm triển khai thực hiện, Luật TGPL đã đi vào cuộc sống, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, thực hiện tốt chính sách nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước.

Ngay từ khi Luật có hiệu lực, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Bình tập trung triển khai thực hiện các mặt hoạt động thuộc lĩnh vực trợ giúp pháp lý như: tư vấn pháp luật, cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, trợ giúp pháp lý lưu động, tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, hướng dẫn nghiệp vụ đối với hoạt động của các Câu lạc bộ TGPL, kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý…Từ năm 2007 đến nay, số lượng vụ việc do Trung tâm và cộng tác viên của Trung tâm thực hiện là 6.601 vụ việc, tham gia tố tụng 440 vụ, tổ chức 369 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tổ chức 46 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 4.738 người tham dự và 7 cuộc hội thảo về nâng cao hiệu quả hoạt động của Cộng tác viên trợ giúp pháp lý, tổ chức 6 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 763 lượt cán bộ trại tạm giam, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán của cấp tỉnh, cấp huyện và Quân đoàn I; tổ chức 14 lớp tập huấn kỹ năng TGPL cho Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên TGPL; tổ chức 26 lớp triển khai Luật TGPL và các văn bản pháp luật mới ban hành cho 3.612 lượt cán bộ Tư pháp cấp xã, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL, trưởng thôn, phố, xóm trên địa bàn tỉnh, thành lập 44 Câu lạc bộ TGPL….

Bên cạnh những thành tựu sau 8 năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân trong việc chấp hành pháp luật, giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình tìm ra hướng giải quyết những vướng mắc, băn khoăn về pháp luật để ứng xử trong cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện để chính quyền các cấp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Do vậy, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tạo được niềm tin của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân địa phương;

Bên cạnh những kết quả đã đạt được sau 8 năm triển khai thi hành Luật TGPL thì công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng gặp không ít khó khăn như:

- Thứ nhất, mô hình thực hiện pháp luật về TGPL ở cơ sở chưa thống nhất

Chính sự không thống nhất về mô hình TGPL ở cơ sở đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng thực hiện pháp luật về TGPL cho người được TGPL trong thời gian qua. Cụ thể, hệ thống tổ chức TGPL gồm các tổ chức TGPL ở TW và cấp tỉnh. Đối với cấp huyện và cấp xã, tùy theo tình hình và điều kiện của mỗi địa phương có thể thành lập một số tổ chức TGPL như: Chi nhánh, Tổ TGPL, Điểm TGPL, Câu lạc bộ TGPL cấp xã, Câu lạc bộ TGPL thôn đặc biệt khó khăn. Do vậy, việc thành lập tổ chức TGPL cấp huyện, cấp xã chưa tiến hành đồng bộ, không thống nhất tên gọi, mô hình TGPL trong toàn quốc mà còn mang tính tự giác của từng địa phương.

- Thứ hai, hạn chế về kiện toàn tổ chức, bộ máy thực hiện pháp luật về TGPL

Việc kiện toàn Trung tâm TGPL còn chậm, do thiếu nguồn cán bộ, thiếu nguồn Trợ giúp viên pháp lý, viên chức Trung tâm chủ yếu là lực lượng trẻ mới vào ngành; Chi nhánh TGPL đã được thành lập nhưng chưa có Trưởng Chi nhánh và hoạt động chưa hiệu quả, chưa có Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách thực hiện lĩnh vực TGPL.

Hoạt động của một số Câu lạc bộ TGPL còn mang tính hình thức, chưa đi vào hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế gần dân, sát dân và bảo đảm tạo thuận lợi cho dân trong việc nêu ý kiến, tham gia trao đổi, thảo luận và còn phụ thuộc nhiều vào mức kinh phí hỗ trợ của Trung tâm TGPL nên chưa bảo đảm phát triển lâu dài, bền vững.

Thứ ba, hạn chế trong nhận thức pháp luật về TGPL

Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và một số cán bộ chưa nhận thức đầy đủ về công tác TGPL; thậm chí có địa phương còn né tránh, hoặc e ngại tiếp xúc làm việc với Trung tâm TGPL và cộng tác viên TGPL, khi nội bộ có vướng mắc hoặc nhận thức "sai lệch" về hoạt động TGPL, còn cho rằng là tổ chức TGPL "xui dân kiện". Do đó, công tác TGPL chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, đầu tư nguồn lực cần thiết từ một số cơ quan, tổ chức có liên quan, nên việc tuyên truyền pháp luật về TGPL hiệu quả chưa cao hay triển khai hoạt động TGPL lưu động cho nhân dân trên địa bàn gặp không ít khó khăn; dẫn đến người dân, trong đó có cả cán bộ cơ sở chưa biết đến hoạt động TGPL hoặc chưa hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa xã hội mang tính nhân đạo của hoạt động TGPL cho người được TGPL nên họ chưa được tiếp cận, hưởng quyền TGPL miễn phí.

Thứ tư, hạn chế về đội ngũ thực hiện TGPL

Chất lượng nguồn nhân lực làm công tác TGPL phát triển chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác TGPL trong tình hình mới.

Về chức danh Trợ giúp viên pháp lý vẫn còn là khái niệm mới mẻ do đó một số người dân nhầm tưởng Trung tâm TGPL Nhà nước với Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội luật gia tỉnh hay họ cũng không phân biệt được giữa Luật sư và Trợ giúp viên pháp lý. Đối với những vụ việc tham gia tố tụng khi gửi thẻ và Quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý sang cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án Nhân dân vẫn gặp phải những khó khăn, lúng túng từ phía Điều tra viên, Kiểm sát viên hay Thẩm phán khi cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự do có sự xung đột pháp lý giữa các quy định tại Bộ luật tố tụng Hình sự và Luật TGPL, hơn nữa do họ chưa hiểu rõ chức trách và nhiệm vụ của Trợ giúp viên pháp lý.

Thứ năm, hình thức TGPL chưa đáp ứng nhu cầu thực tế thực hiện pháp luật về TGPL

Đại diện và bào chữa là hai hình thức chủ yếu do luật sư là cộng tác viên TGPL thực hiện, nhưng qua kết quả thực hiện cho thấy số lượng chưa nhiều, nếu có thực hiện thì luật sư cũng chưa nhiệt tình tham gia bào chữa và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp người được TGPL mà làm cho có lệ, chạy theo vụ việc. Hiện nay, nhiệm vụ này đã do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện, tuy nhiên một số cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện nhất là cán bộ Điều tra vẫn chưa rõ vai trò của chức danh này nên quá trình tác nghiệp các Trợ giúp viên pháp lý gặp không ít khó khăn.

Thứ sáu, hạn chế về công tác phối hợp thực hiện pháp luật về TGPL để huy động các nguồn lực tham gia TGPL

Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân với các tổ chức TGPL thiếu sự chặt chẽ, chưa hiệu quả; một số cơ quan, ban, ngành ở tỉnh và ở cấp huyện như các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng chưa thực sự chủ động phối hợp với Trung tâm TGPL để chỉ đạo triển khai công tác TGPL. Nhiều kiến nghị của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Ninh Bình gửi đến các cơ quan chức năng, nhưng chưa được trả lời kịp thời, hoặc không giải quyết như một số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân, từ đó dẫn đến hậu quả là đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, người dân phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian và công sức, tiền bạc, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước; bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin, tài liệu để giải quyết vụ việc TGPL gặp không ít khó khăn, bất cập.

Cơ chế phối hợp với Đoàn Luật sư, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của tỉnh (Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia,...) thiếu thường xuyên và chưa chặt chẽ; nên chưa huy động sự tham gia tích cực vào hoạt động TGPL của các tổ chức này và các tổ chức tham gia TGPL (các Văn phòng Luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật).

Thứ bảy, hạn chế về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và kinh phí thực hiện pháp luật về TGPL

Kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc những năm qua đã được tăng cường nhưng vẫn còn thiếu thốn và hạn chế; Chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm chưa được điều chỉnh tương xứng với yêu cầu và trách nhiệm công việc (là đơn vị sự nghiệp không có thu nhưng không có chế độ phụ cấp công vụ, chưa có chế độ phụ cấp thâm niên theo nghề nên đời sống cán bộ gặp rất nhiều khó khăn.

 Các giải pháp tiếp tục triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Một là, tăng cường công tác tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền về các hoạt động TGPL trên địa bàn. Phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền pháp luật về TGPL và việc tổ chức các hoạt động TGPL ở địa phương.

Hai là, phải xây dựng được đội ngũ những người thực hiện TGPL có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với các đối tượng được thụ hưởng TGPL, nhất là đội ngũ cộng tác viên từ tỉnh tới cơ sở; phải tạo thuận lợi nhất cho người được TGPL khi họ có nhu cầu được TGPL.

Ba là, trong quá trình giải quyết vụ việc TGPL, tổ chức và người thực hiện TGPL phải tận tâm giải quyết các yêu cầu của người được TGPL theo đúng quy định của pháp luật; nhất là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết các kiến nghị về vụ việc TGPL, những vấn đề liên quan thi hành pháp luật.

Bốn là, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn hoạt động của các tổ chức và người thực hiện TGPL.

Đoàn Thị Ngọc Hải