Thực trạng và giải pháp để nâng cao đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đắk Nông

10/06/2015

Thực tiễn những năm qua, công tác xây dựng Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được nâng lên, đa số cán bộ công chức, viên chức đều kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, chạy chức chạy quyền, vi phạm kỷ luật diễn ra ngày một phức tạp hơn.
 

Đắk Nông là một trong những tỉnh mới được chia tách tuy điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản là lớp trẻ, được đào tạo bài bản nhưng trong quá trình công tác, ngoài việc góp phần xây dựng tỉnh nhà vẫn còn không ít cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao còn có nhiều sai phạm và vi phạm pháp luật. Đặc biệt nổi lên ở một số lĩnh vực nhạy cảm như: đất đai, xây dựng, giao thông vận tải, quản lý bảo vệ rừng và trong việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội.

Để nâng cao chất lượng, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức cần tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kịp thời chỉnh đốn, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng, đạo đức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Triển khai thực hiện tốt chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 theo Nghị quyết 30c/NQ - CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ, trong đó cần tập trung quyết liệt cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cần nghiêm khắc trong việc giới thiệu để đưa ra kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự gương mẫu trong vấn đề đạo đức, lối sống và trách nhiệm trong việc ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị.

Xây dựng quy chế làm việc và nội quy, quy chế của cơ quan chặt chẽ; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp, giải pháp chấn chỉnh kịp thời, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng thực thi công vụ và đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng quy chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng công khai, dân chủ và việc nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải đi vào thực chất, dựa trên cơ sở kết quả, sự đóng góp, cống hiến thực tế của từng cán bộ, công chức, viên chức đối với cơ quan, đơn vị, tránh hình thức, chạy theo thành tích hoặc đánh giá “qua loa”. Đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời và công bằng những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức nhằm giáo dục, chấn chỉnh cán bộ, công chức, viên chức củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.   Xây dựng các chế độ, chính sách khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần; cải thiện thu nhập góp phần ổn định cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan nhà nước.

Việc tăng cường và triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên là tiền đề để nâng cao đạo đức công vụ và chất lượng, hiệu quả trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

                                                                                                          Vũ Thị Tươi