Thực trạng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

09/06/2015
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
 

Với ý nghĩa và mục tiêu quan trọng của hoạt động trợ giúp pháp lý, kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động cho đến nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Bình đã không ngừng có những định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung và hoạt động tham gia tố tụng nói riêng, đưa pháp luật đến gần với người dân hơn, để người dân hiểu và đặt niềm tin vào tổ chức trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, tại khoản 1 điều 58 và khoản 2 điều 59 của Bộ luật tố tụng hình sự mới chỉ quy định “người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền tham gia từ giai đoạn điều tra. Luật sư có quyền tham gia từ giai đoạn khởi tố bị can, trong trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia”. Còn trợ giúp viên pháp lý thì chưa được quy định trong bộ luật tố tụng hình sự. Nhưng tại khoản 3 điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý quy định “Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính”, Điều 29 Luật trợ giúp pháp lý quy định “Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tham gia tố tụng hình sự để bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc để bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính”.

Bên cạnh đó cùng tại khoản 4 điều 39 Luật Trợ giúp pháp lý quy định: “khi tham gia tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư xuất trình giấy chứng nhận tham gia tố tụng, Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ Luật sư, có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng, được sử dụng các biện pháp mà pháp luật tố tụng quy định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.

Như vậy có thể nói dù Luật Trợ giúp pháp lý ra đời muộn và cũng là lĩnh vực mới trong các bộ luật và một số văn bản dưới luật. Tuy nhiên, trên cơ sở căn cứ pháp lý đã nêu ở trên.Trong những năm qua, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý trên toàn quốc nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng đã tuân thủ theo quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, không ngừng nâng cao uy tín nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, tận tụy, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, vận dụng kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015 tổng số vụ việc tham gia tố tụng là 22 trong đó Trợ giúp viên pháp lý tham gia chiếm trên 80%, số còn lại do Luật sư là cộng tác viên của Trung tâm thực hiện, đối tượng chủ yếu là người chưa thành niên phạm tội, các đối tượng chủ yếu phạm các tội như: trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, hiếp dâm…Tuy số lượng vụ việc tham gia tố tụng chưa cao nhưng có thể nói với một hoạt động còn rất mới mẻ đối với những người thực hiện trợ giúp pháp lý mà yêu cầu nghề nghiệp đòi hỏi cao, phải có bản lĩnh nghề nghiệp và phải có sự hiểu biết rộng các lĩnh vực xã hội để khi tham gia tố tụng ở tất cả các giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử) đều phải có kỹ năng tham gia. Chẳng hạn như: khi tham gia tố tụng ở giai đoạn điều tra thì trợ giúp viên pháp lý cần phải thực hiện các bước như: tham gia lấy lời khai của người bị tạm giam, hỏi cung bị can, tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với bị can, bị cáo hay kỹ năng phát hiện những sai phạm của Điều tra viên và có ý kiến đề xuất yêu cầu. Nếu ở bước gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với bị can, bị cáo cần phải cần phải chuẩn bị những điểm để phân tích cho họ theo hướng có lợi, đồng thời chia sẻ, thông cảm với hoàn cảnh phạm tội của họ hay nếu ở bước phát hiện những sai phạm của Điều tra viên thì người thực hiện trợ giúp pháp lý cần trao đổi trực tiếp với Điều tra viên về sai phạm của họ và yêu cầu khắc phục hoặc hướng dẫn cho bị can hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của họ để họ có những hành động hợp lý khi thấy Điều tra viên sai phạm.

Hoặc khi tham gia tố tụng ở gia đoạn chuẩn bị xét xử, Trợ giúp viên pháp lý phải thực hiện các phương pháp nghiên cứu hồ sơ theo nguyên tắc toàn diện và đầy đủ, nắm vững hồ sơ một cách chính xác và khoa học thì Trợ giúp viên pháp lý mới chuẩn bị nội dung luận cứ bào chữa được đầy đủ, luận cứ bào chữa phải dựa trên những căn cứ được phản ánh trong hồ sơ, kết hợp hài hòa các yếu tố pháp lý và yếu tố tâm lý để có cơ sở đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, ở giai đoạn tham gia tố tụng này, Trợ giúp viên pháp lý phải thực hiện rất nhiều kỹ năng khác nhau như: theo dõi luận tội, xét hỏi và tranh luận để phát hiện những vấn đề pháp lý phát sinh mới và có hướng đề xuất kịp thời.

Nhìn chung các vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý trong thời gian qua đều có sự đầu tư thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đưa ra căn cứ pháp lý trong bản luận cứ bào chữa có lý có tình, lập luận chặt chẽ mang tính thuyết phục, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ngoài việc am hiểu kiến thức pháp luật và sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Hầu hết các Trợ giúp viên pháp lý rất tận tâm, nhiệt tình với công việc. Mặc dù mức chi cho công tác trợ giúp pháp lý, đặc biệt là hoạt động tham gia tố tụng còn quá thấp so với tình hình thực tế hiện nay, nhưng bất kể dưới hình thức tham gia tố tụng hay đại diện ngoài tố tụng, hay tham gia khi có quyết định khởi tố vụ án thì sự có mặt của những người thực hiện trợ giúp pháp lý từ giai đoạn tiền tố tụng đều có lợi và có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ việc. Chính vì vậy không quản ngại đường xa, thời tiết khắc nghiệt, phương tiện đi lại khó khăn, các Trợ giúp viên pháp lý đã vượt qua gần trăm cây số để tiếp xúc đối tượng, xác minh nhân thân, đến với gia đình, trường học và chính quyền địa phương…để tìm hiểu những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo, hoàn cảnh phạm tội, động cơ phạm tội, từ đó tìm ra những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Kết quả của việc tham gia tố tụng đã đem lại sự hài lòng cho đối tượng, ngày càng tạo niềm tin trong lòng người dân nói chung và các đối tượng được trợ giúp pháp lý nói riêng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, các Trợ giúp viên pháp lý đã gặp không ít khó khăn, nhất là một số cơ quan tiến hành tố tụng nhận thức chưa đầy đủ về việc có sự tham gia của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nên các thủ tục còn gây phiền hà như: cấp giấy chứng nhận người bào chữa, gửi các bản án sau khi xét xử đến người thực hiện trợ giúp pháp lý…

Vì vậy, để nâng cao nhận thức và sự hiểu biết đến với tất cả các cấp chính quyền địa phương và cán bộ, nhân dân cần phải tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác trợ giúp pháp lý nhiều hơn nữa, phổ biến nhiều hơn nữa nhất là tuyên truyền về hoạt động tố tụng trong hoạt động trợ giúp pháp lý để thấy được vai trò và tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý nói chung và người thực hiện trợ giúp pháp lý nói riêng. Đồng thời cần nghiên cứu sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự thêm người bào chữa là Trợ giúp viên pháp lý.

Ngọc Hải