Kết quả 08 năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh

27/04/2015
Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội ký ban hành vào ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2007. Từ khi triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý cho đến nay, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có sự chuyển biến tích cực, số người dân biết về trợ giúp pháp lý và được trợ giúp pháp lý hàng năm đều tăng, số vụ việc trợ giúp pháp lý năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Và cả giai đoạn, Trung tâm đã thực hiện được 5.513 vụ, việc/5.631 người (nam: 2.852, nữ: 2.774).

Trung tâm Trợ giúp pháp lý là cơ quan tham mưu, giúp Ban Giám đốc Sở Tư pháp làm đầu mối trong việc tổ chức và triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi Luật Trợ giúp pháp lý được thông qua, Trung tâm đã chủ động tham mưu Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý. Trung tâm đã tổ chức truyền thông về pháp luật trợ giúp pháp lý đa dạng dưới mọi hình thức, mỗi hình thức đều mang lại hiệu quả thiết thực như: tổ chức được 20 hội nghị tập huấn, có 2.615 lượt người dự; Tổ chức 511 đợt trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở, có 24.029 người tham dự; Các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã sinh hoạt được 902 cuộc, có 31.984 lượt người đến tham gia sinh hoạt, thông qua sinh hoạt đã tư vấn pháp luật  cho 2.162 người; Lắp đặt Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp công dân của các cơ quan trong tỉnh và các cơ quan tiến hành tố tụng; Sao băng cassette để truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý phát trên Trạm truyền thanh của xã.

Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý được triển khai sâu rộng đến nhân dân, số người dân được biết về quyền được trợ giúp pháp lý của họ và các thông tin liên quan đến tổ chức, điều kiện, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý ngày càng nhiều. Việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tiếp tục được nâng cao. Hàng năm, Trung tâm tham mưu Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ban hành kế hoạch hoạt động, tổ chức kiểm tra việc thực hiện tại một số cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh.

Trong một số trường hợp cụ thể, bằng sự nhiệt tình và tâm huyết với nghề “trợ giúp pháp lý”, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư – cộng tác viên của Trung tâm đã giúp cho một số vụ án được minh oan, sáng tỏ, tạo niềm tin cho người được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, thể hiện sự công bằng của pháp luật Việt Nam, góp phần tạo niềm tin của nhân dân với chính quyền, làm cho người dân luôn “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và Sở Tư pháp, kinh phí hoạt động và biên chế của Trung tâm luôn được chú trọng tăng cường và bổ sung hàng năm.

Với phương châm trợ giúp pháp lý “luôn luôn đi cùng dân” và luôn chủ động “hướng về cơ sở”, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh đã thực sự trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho người dân trên địa bàn tỉnh tìm đến để được giúp đỡ khi họ có vướng mắc về pháp luật, để chia sẻ khi họ cần được bảo vệ. Qua đó đã khẳng định chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công và một số đối tượng khác là một chính sách đúng đắn hợp lòng dân và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại./.

                                                                            Ngọc Linh