Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

22/04/2015
Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Thực hiện sự chỉ đạo của Văn phòng Quốc hội về góp ý Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sáng ngày 21/4/2015, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Y Khút Niê, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động Thương binh và Xã hội; đại diện Thanh tra tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Tại Hội nghị, các Đại biểu cơ bản đã nhất trí với Dự thảo Luật, tuy nhiên cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, đối với một số nội dung quan trọng như: Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có ý kiến cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan trực tiếp soạn thảo; đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan được đóng góp ý kiến. Khi tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật Dự thảo nên bỏ quy định Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ nên quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức khác, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân là hợp lý. Đồng thời, cần quy định là cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản chứ không quy định là tạo điều kiện như trong của Dự Luật cho phù hợp hơn với các quy định của pháp luật.

Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật: có ý kiến cho rằng chỉ có cấp tỉnh mới có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn cấp huyện và cấp xã thì các loại văn bản như nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch thì là văn bản pháp luật chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Về nội dung này cũng có ý kiến khác là giữ nguyên thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã và cấp huyện vì sau 10 năm triển khai thi hành Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 vẫn chưa có vấn đề gì lớn xảy ra nhưng cần bổ sung quy định quy định cấp huyện và cấp xã được ban hành văn bản nào và không được ban hành những văn bản nào, cấp tỉnh có nhiệm vụ kiểm tra, thẩm tra văn bản.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng cần quy định rõ nguồn văn bản để áp dụng  là văn bản từ bản chính, sao y, sao lục, đang tải trên công báo, cơ sở dữ liệu hoặc nhà xuất bản chính thống; nên quy định cho văn bản địa phương có hiệu lực trở về trước để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân địa phương; Dự thảo quy định về pháp điển hóa, về hệ thống hóa nhưng chưa quy định cụ thể về hiệu lực, nên cần có 1 chương để quy định cụ thể về nội dung này…

Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp thu, tiến hành tổng hợp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, khóa XIII.

Trần Thị Bích Luy