Thái Bình hoàn thành đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

20/04/2015
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ  ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chủ động ban hành Quyết định số 218/QĐ-UBND ngày 28/01/2015 kèm theo Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Đồng thời tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt cấp tỉnh triển khai kế hoạch của trung ương, của tỉnh về việc lấy ý kiến nhân dân tham gia dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).  Các sở, ban, ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân 8 huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã khẩn trương tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân như tổ chức Hội nghị, hội thảo, phát phiếu lấy ý kiến, họp nhân dân thôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố...

Công tác tuyên truyền, phổ biến giới thiệu dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), tập trung vào 10 nội dung trọng tâm cần xin ý kiến nhân dân được chú trọng, tăng cường. Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh từ tỉnh đến cơ sở, cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đều tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú. Đến nay qua tổng hợp có 437.678 ý kiến tham gia đóng góp của cơ quan, đơn vị, cá nhân, luật gia, luật sư, đại diện hộ gia đình. Về nội dung cụ thể của dự thảo Bộ luật dân sự  (sửa đổi) có 54 nhóm ý kiến tham gia góp ý, đối với 10 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân: có 406.504 (chiếm 92,8%) ý kiến nhất trí với quy định tại điều 19 của dự thảo Bộ luật Dân sự “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng…”; 419.614 (chiếm 95,9%) ý kiến tán thành với dự thảo nên quy định đầy đủ chi tiết các quyền nhân thân trong Bộ luật dân sự; có 17.653 ý kiến không tán thành, 138 ý kiến khác về quyền nhân thân. Có 317.776 ý kiến nhất trí với dự thảo quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự  là cá nhân, pháp nhân và có quy định riêng về hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

Đa số các ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Bộ luật dân sự  (sửa đổi) về các nội dung: hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, về hình thức sở hữu, thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, ngoài ra còn có một số ý kiến khác đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Về kỹ thuật lập pháp: cơ bản các ý kiến nhất trí với bố cục, kết cấu và cách thức trình bày văn bản. Bên cạnh đó một số ý kiến đề nghị gộp nội dung của chương 21 về thừa kế theo di chúc với một số nội dung về phân chia di sản thừa kế theo di chúc tại chương 23; đề nghị giải thích rõ một số thuật ngữ pháp lý, cách viết một số điều luật, sử dụng câu, từ cho hợp lý.

Liễu Lập - Sở Tư pháp Thái Bình