Điện Biên hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

17/04/2015
Thực hiện Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25/12/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Quyết định số 131/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo và lấy ý kiến tham gia đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho gần 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Đại diện HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng phòng Tư pháp; Các cơ quan tư pháp; Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; cán bộ làm công tác pháp chế các sở, ngành; giảng viên giảng dạy tại Khoa Nhà nước và Pháp luật Trường Chính trị tỉnh; giáo viên thuộc tổ bộ môn Khoa Luật hành chính Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật tổng hợp tỉnh Điện Biên. Trên cơ sở kế hoạch của UBND, toàn tỉnh đã tổ chức 352 hội nghị lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Việc lấy ý kiến tại các đơn vị, địa phương được tiến hành bằng các hình thức: hội nghị, hội thảo, góp ý bằng văn bản, thảo luận tại cuộc họp, góp ý thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua chuyên trang, chuyên mục của Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ. Việc lấy ý kiến tại các xã, phường, thị trấn được tổ chức dưới các hình thức như: tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với các cán bộ chủ chốt tại các xã, phường, các ban, ngành đoàn thể xã, công chức xã, trưởng các thôn, bản; sao gửi tài liệu để các tổ dân phố, bản tổ chức lấy ý kiến của nhân dân thông qua cuộc họp dân. Đa số tổ dân phố đã họp dân để lấy ý kiến đều đảm bảo 100% đại diện hộ gia đình tham dự, một số hộ có 2 hoặc 3 người tham dự.

Đến hết ngày 14/4/2015 trên địa bàn toàn tỉnh có 202.052 ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trong đó: có 103 ý kiến tham gia về các quy định cụ thể của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), có 201.938 tham gia vào 10 vấn đề trọng tâm và 09 ý kiến tham gia về kỹ thuật lập pháp.

Sau khi UBND tỉnh có Báo cáo số 101/BC-UBND ngày 14/4/2015 kết quả đóng góp ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Tư pháp đôn đốc, các cấp, các ngành hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự theo đúng yêu cầu, tiến độ. Đồng thời, giao Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo đợt 02 của đơn vị gửi về sau chưa được tổng hợp trong Báo cáo số 101/BC-UBND và gửi báo cáo trực tiếp về Bộ Tư pháp để tổng hợp chung. Theo đó, Sở Tư pháp tiếp tục tổng hợp báo cáo 05 của đơn vị về kết quả đóng góp ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để Báo cáo Bộ Tư pháp.

Các ý kiến tham gia nhất trí cao với việc sửa đổi Bộ luật Dân sự nhằm cụ thể hóa Hiến Pháp 2013 để phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật Dân sự, trong đó tập trung trọng tâm vào 10 nội dung cơ bản, đồng thời xây dựng Bộ luật Dân sự là bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự; có tính khái quát, dự báo và khả thi để một mặt, bảo đảm tính ổn định của Bộ luật, mặt khác, đáp ứng được kịp thời sự phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự.

Phạm Thanh Thanh