Cần Thơ: Phổ biến, hướng dẫn việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

04/03/2015
Cần Thơ: Phổ biến, hướng dẫn việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Thực hiện Quyết định số 311/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ngày 02 tháng 3 năm 2015, Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tỏ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).
 

Đến tham dự Hội nghị có ông Lê Văn Tâm - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố (chủ trì Hội nghị) Ông Huỳnh Quốc Lâm, Giám đốc Sở Tư pháp, tham dự Hội nghị có 180 đại biểu là đại diện lãnh đạo Văn Phòng, các Ban Xây dựng Đảng thuộc Thành ủy; Văn phòng, các Ban thuộc Hội đồng nhân dân thành phố; các Sở, ban ngành; các tổ chức chính trị - xã hội; các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố; đại diện thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện; Trưởng Phòng Tư pháp quận, huyện.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự được nghe các báo cáo viên pháp luật giới thiệu nội dung 06 chuyên đề chuyên sâu lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) về:  Sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án BLDS (sửa đổi), về những nội dung cơ bản của Phần thứ nhất "Quy định chung", Phần thứ hai "Quyền sở hữu và các vật quyền khác", Phần thứ ba "Nghĩa vụ và hợp đồng", Phần thứ tư "Thừa kế" và Phần thứ năm "Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài". Đây là những nội dung quan trọng trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Lê Văn Tâm - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện khẩn trương tổ chức lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Việc lấy ý kiến phải đảm bảo yêu cầu với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm; các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác báo cáo tổng hợp ý kiến gửi về Sở Tư pháp trước ngày 30 tháng 3 năm 2015.

Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trên địa bàn thành phố thực hiện trong tháng 3 năm 2015.

Tấn Em