Ninh Bình: Tổ chức Hội nghị triển khai lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

06/02/2015
Ninh Bình: Tổ chức Hội nghị triển khai lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Căn cứ Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25/12/2014 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ngày 6/2/2015, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị triển khia lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Dự Hội nghị có đại diện thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Sở Tư pháp, đại diện Lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh, Trưởng, phó các phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp, đại diện Lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã; Đại diện Ban pháp chế các Sở, ban, ngành…

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thịnh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã triển khái các quan điểm, mục tiêu về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Việc sửa đổi Bộ luật Dân sự được tiến hành trong một giai đoạn mới trong quá trình lập hiến và lập pháp của Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận nhiều quyền cũng như cách thức bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, kinh tế và xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung luật lần này nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự thành một luật chung, điều chỉnh các quan hệ dân sự được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia trong các quan hệ dân sự. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này được đưa ra lấy ý kiến Nhân dân gồm 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, Dự thảo Bộ luật Dân sự giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều. Thời gian lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 05/01/2015 và kết thúc vào ngày 5/4/2015.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã đưa ra các ý kiến góp ý trực tiếp vào BLDS (sửa đổi) với các vấn đề trọng tâm như: về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, về quyền nhân thân, về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, về hình thức sở hữu, về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, về thời hiệu…

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hùng Tiến – Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh: Bộ luật Dân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, vì vậy để đợt lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn đảng và toàn dân, Sở Tư pháp đề nghị các Sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh và các cơ quan truyền thông có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến một cách sâu rộng các nội dung của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để kịp thời phụ vụ việc lấy ý kiến đóng, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo đúng Kế hoạch.

Đoàn Thị Ngọc Hải

Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình