Tiền Giang: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2014, triển khai công tác tư pháp năm 2015

06/02/2015
Tiền Giang: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2014, triển khai công tác tư pháp năm 2015
Ngày 02/02/2015, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2014 và triển khai công tác tư pháp năm 2015. Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện kết quả công tác tư pháp trong năm 2014; những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Kim Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Năm 2014, với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức và người lao động, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã bám sát Chương trình trọng tâm của Bộ Tư pháp, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; đã chỉ đạo toàn Ngành triển khai toàn diện các mặt công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước ở địa phương. Công tác tư pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối kết hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh và địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được tăng cường, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Vị trí và vai trò của công tác tư pháp tiếp tục được khẳng định và ngày càng được nâng cao.

Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2014, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Văn Chính cho biết: trong năm 2014, công tác tư pháp của Ngành đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của HĐND, UBND tỉnh, các mặt công tác tư pháp được triển khai khá đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là bám sát Chương trình công tác trọng tâm năm 2014 của Bộ Tư pháp, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2014 như: công tác triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cơ bản bảo đảm tiến độ, việc tuyên truyền, phổ biến về Hiến pháp mới được triển khai có hiệu quả, góp phần tạo nên sức lan tỏa, nhằm đưa Hiến pháp và pháp luật đi vào cuộc sống; triển khai có hiệu quả một số nội dung của Chỉ thị số 06-CT/TU của Tỉnh ủy, nhất là tham mưu thành lập được 03 Văn phòng thừa phát lại. Công tác xây dựng VBQPPL được thực hiện bài bản và nghiêm túc hơn; thẩm định kịp thời các dự thảo VBQPPL. Công tác kiểm tra VBQPPL bước đầu đã có sự gắn kết với công tác theo dõi thi hành pháp luật. Công tác kiểm soát TTHC tiếp tục được duy trì ổn định và ngày càng đi vào nề nếp. Công tác PBGDPL được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Công tác hành chính tư pháp được tập trung thực hiện tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, tổ chức. Công tác bổ trợ tư pháp tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính ngày càng được tăng cường, trong đó cải cách TTHC có những bước đột phá mới. Công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được kiện toàn, củng cố theo quy định; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quan tâm thực hiện. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được đẩy mạnh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình triển khai công tác tư pháp trong năm 2014 vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục, như: Việc dự thảo VBQPPL của một số ngành thực hiện còn chậm so với tiến độ quy định; VBQPPL do cấp huyện, cấp xã ban hành vẫn còn sai sót; việc thành lập tổ chức pháp chế của các sở, ngành còn gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm soát TTHC ở một số đơn vị còn hạn chế. Quản lý nhà nước về XLVPHC bước đầu còn lúng túng. Tình trạng sai sót trong quản lý hộ tịch vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Việc chứng thực còn chưa đảm bảo chặt chẽ, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tỷ lệ hòa giải thành tuy có tăng nhưng thiếu bền vững. Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại địa phương” đã được phê duyệt kết quả bước đầu chưa cao; việc phối, kết hợp chưa được nhịp nhàng, kịp thời, chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã còn thiếu; vẫn còn một số cán bộ tư pháp chưa được chuẩn hóa trình độ chuyên môn theo quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của một số đơn vị trong Ngành chưa được quan tâm đúng mức.

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện như Chợ Gạo, Cai Lậy, Tân Phước... đều nhất trí đánh giá cao những thành tựu của công tác tư pháp năm 2014, đã góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và của các địa phương. Đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn của các cơ quan tư pháp địa phương đang gặp phải và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong năm 2015 và những năm tiếp theo nhằm đưa công tác tư pháp phát triển ổn định và vượt bậc hơn trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Kim Mai cơ bản đồng tình với báo cáo, các tham luận đã được trình bày tại Hội nghị và khẳng định: trong năm 2014, các cơ quan tư pháp từ tỉnh đến huyện, xã đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện vào thành tựu chung của địa phương. Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2014 và cơ bản nhất trí đối với phương hướng, nhiệm vụ mà Sở Tư pháp đã đề ra trong năm 2015.

Đối với phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Ngành Tư pháp, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu toàn Ngành phải xác định cho được nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể để tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp tại địa phương, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng, nổi bật, đó là:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, tổ chức thành công cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; tham mưu tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) theo Kế hoạch của UBND tỉnh bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Thứ hai, tăng cường phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 01/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp, phấn đấu đến cuối năm 2015 các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch được tổ chức thực hiện đạt và vượt tiến độ quy định, trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2013 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Thứ ba, tăng cường hiệu quả công tác xây dựng và thực thi pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện và khắc phục những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ, khả thi của văn bản; triển khai thực hiện tốt các luật, pháp lệnh có hiệu lực trong năm 2015, đặc biệt là các luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; tập trung tham mưu phổ biến kịp thời các VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân...

Thứ tư, tập trung hoàn thành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh năm 2015 đảm bảo tiến độ, chất lượng, trong đó cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện trình HĐND, UBND tỉnh ban hành VBQPPL quy định chi tiết để kịp thời tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL, trong đó chú trọng tới tính dự báo của các chính sách, đảm bảo tính khả thi trong việc ban hành văn bản, để các quy định của pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn.

Thứ năm, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về xử lý vi phạm hành chính. Chủ động phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện tốt vai trò tham mưu, giúp UBND tỉnh tăng cường quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, làm chuyển biến căn bản công tác này tại địa phương. Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật gắn với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, đất đai, chống buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, xử lý vi phạm hành chính.

Thứ sáu, tập trung tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 và các nội dung theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng... và các thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính cần ưu tiên đơn giản hóa thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Tư pháp, đặc biệt các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, như: hộ tịch, lý lịch tư pháp, công chứng, luật sư… để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và môi trường thông thoáng cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ bảy, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm. Triển khai đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử dùng chung cho cấp huyện và cấp xã phục vụ cho việc hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác đăng ký, thống kê hộ tịch;  theo dõi, chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính theo chỉ đạo của  Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/CT-TTg.

Thứ tám, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động tư pháp, đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, theo chủ trương của Đảng; tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu; triển khai thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch, đề án trong các lĩnh vực này, bảo đảm sự phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tham gia góp ý xây dựng dự án Luật bán đấu giá tài sản đảm bảo tiến độ, chất lượng. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ chín, triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 23/2014/TT-BTP ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. Tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế ở địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hành chính, công vụ và thanh tra chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm, như: hộ tịch, luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản...; kịp thời uốn nắn, xử lý những sai phạm, nhằm làm cho các hoạt động tư pháp ngày càng trong sạch, lành mạnh. Tăng cường công tác thanh tra đột xuất, kiểm tra sau thanh tra.

Thứ mười, tăng cường công tác phối hợp, kết hợp với sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện bằng nhiều phương thức khác nhau trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đáp từ, Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Văn Trọng thay mặt toàn thể công chức, viên chức và người lao động Ngành Tư pháp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự quan tâm của đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nói riêng và lãnh đạo UBND tỉnh nói chung, các sở, ngành và địa phương đối với công tác tư pháp trong thời gian qua. Trên cơ sở quán triệt các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch  thường trực UBND tỉnh và các đại biểu tham dự Hội nghị, toàn Ngành Tư pháp quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 05 năm 2011 - 2015 ở địa phương.

Tại Hội nghị này, đồng chí Huỳnh Thị Lệ Thủy thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trao danh hiệu Chiến sỹ thi đua Ngành Tư pháp năm 2014 cho đồng chí Phạm Văn Trọng, Giám đốc Sở Tư pháp; trao Bằng khen của Bộ Tư pháp cho 02 tập thể và 03 cá nhân. Đây là những tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Toàn ngành Tư pháp đồng thuận, vượt khó, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao” năm 2014 do Bộ Tư pháp phát động. Đồng chí Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phạm Văn Trọng thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tư pháp” cho các cá nhân đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Ngành Tư pháp; trao Giấy khen của Giám đốc Sở cho 03 Phòng Tư pháp đã có thành tích dẫn đầu về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2014. Được biết trong năm 2014, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang vì đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2013 của tỉnh Tiền Giang; tặng Bằng khen cho 01 tập thể thuộc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang./.

 

Lê Phú Tân