Lai Châu: Tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến, hướng dẫn công tác lấy ý kiến về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

06/02/2015
Lai Châu: Tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến, hướng dẫn công tác lấy ý kiến về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, xây dựng, những nội dung mới cơ bản, hướng dẫn một số nội dung trọng tâm lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân là những nội dung chính diễn ra tại Hội nghị triển khai, phổ biến, hướng dẫn công tác lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tổ chức chiều ngày 04/2/2015.
 

Tham dự Hội nghị có các đồng chí là đại diện Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và công chức pháp chế các cơ quan chuyên môn; đại diện lãnh đạo Văn phòng, Phòng Tổ chức hành chính các sở, ban, ngành tỉnh; các báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; đại diện Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố; Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thành phố. Đồng chí Tống Thanh Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị.

Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được xác định là một trong những bộ luật có tầm quan trọng đặc biệt trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến Nhân dân gồm 712 điều, được bố cục thành 06 phần, 26 chương. So với Bộ luật dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật dân sự giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều. Theo đó, những nội dung lấy ý kiến gồm: Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; Điều khoản thi hành; Kỹ thuật trình bày. Các hình thức lấy ý kiến Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; Thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Các hình thức phù hợp khác. 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Tống Thanh Hải nhấn mạnh: Bộ luật dân sự có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết  của Nhân dân và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các cấp trong quý I năm 2015. Theo đó, để tổ chức đợt lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo BLDS (sửa đổi) có chất lượng, hiệu quả, các ngành, các cấp cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành kế hoạch tổ chức triển khai lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo; Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung quán triệt, phổ biến nội dung dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) tới cán bộ, Nhân dân, tổ chức lấy ý kiến liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị mình; các cơ quan thông tin truyền thông kịp thời tuyên truyền, phổ biến, đăng tải các nội dung của dự thảo để phục vụ việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân;…

                                                                                                            Đình Hữu