Tỉnh Quảng Trị ban hành và triển khai Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

30/01/2015
Thực hiện Nghị quyết 857/NQ-UBTVQH 13 ngày 25/12/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Quyết định 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); ngày 16/01/2015 Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch 149/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
 

Việc lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong việc góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của Nhân dân.

Kế hoạch của UBND tỉnh xác định rõ nội dung, hình thức, đối tượng lấy ý kiến. Về nội dung lấy ý kiến: Lấy ý kiến vào toàn bộ dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), gồm: Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; Điều khoản thi hành, Kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ luật Dân sự. Đồng thời, xác định những vấn đề trọng tâm và lấy ý kiến sâu về những nội dung liên quan đến đặc thù phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phong tục, tập quán ở địa phương và những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị. Về hình thức lấy ý kiến, việc lấy ý kiến tham gia của Nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được tiến hành bằng các hình thức khác nhau như: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm lấy ý kiến; Thảo luận, tham gia ý kiến trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo, toạ đàm; Thông qua các Trang thông tin điện tử; thông qua Báo Quảng Trị, Đài PT-TH tỉnh và các hình thức phù hợp khác. Về đối tượng lấy ý kiến, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được lấy ý kiến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các thành viên của Mặt trận; Các Sở, Ban, Ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Các doanh nghiệp; Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, luật sư, luật gia trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã giao trách nhiệm cho các Sở, Ban, Ngành, các đơn vị thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc tổ chức lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp). Trong đó, UBND giao Sở Tư pháp hướng dẫn, đôn đốc các Sở, Ban, Ngành, cơ quan đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh trong việc tổng hợp các ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh; xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trình UBND tỉnh ban hành báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.

Để triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh, ngày 27/01/2015, Sở Tư pháp – với vai trò là cơ quan thường trực đã có Công văn đôn đốc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ giúp việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Dự kiến trong tháng 3/2015 Sở Tư pháp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với thành phần là đại diện các Sở, Ban, Ngành, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; các phòng Tư pháp thuộc UBND các huyện, thành phố, thị xã; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên; đại diện một số đơn vị cấp huyện, cấp xã; một số chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn và một số cử tri.

Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là một dự thảo Luật quan trọng, những quy định của dự thảo Bộ luật này có phạm vi tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, vì vậy, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong việc lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cần xác định việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là một nhiệm vụ chính trị quan trọng cần phải được triển khai kịp thời, nghiêm túc và hiệu quả trong quý I năm 2015./.

                                                                                Lệ Giang