Hà Nam - Hội nghị phổ biến, triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

28/01/2015
Hà Nam - Hội nghị phổ biến, triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Sáng qua (27/01/2015) tại Hà Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị phổ biến, triển khai kế hoạch Lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Hội nghị được truyền hình trực triếp trên trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh Hà Nam, được tổ chức tại hội trường UBND tỉnh và 265 điểm cầu tại Các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố; xã phường thị trấn; trường học; doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Dự và chỉ đạo hội nghị có Đ/c Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đ/c Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực Tỉnh ủy; Thường thực HĐND tỉnh; Lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Trưởng, phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đại biểu HĐND tỉnh ở các sở, ban, ngành; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Trưởng, phó các ban của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh; Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn tỉnh, Cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành; Giám đốc một số doanh nghiệp; Ban chấp hành Tỉnh hội Luật gia; Đoàn luật sư tỉnh. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) trực tiếp phổ biến nội dung Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).  

   

 Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được xác định là một trong những dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Việc sửa đổi Bộ luật Dân sự đặt ra yêu cầu bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, với vị trí là luật chung, việc sửa đổi có thể tác động đến quy định của hệ thống văn bản luật chuyên ngành, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương như: thương mại, hôn nhân và gia đình, nhà ở, đất đai… Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân gồm 712 điều và cần tập trung vào 10 nhóm vấn đề trọng tâm, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề liên quan trực tiếp tới nhân dân, địa phương: Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; Về quyền nhân thân; Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; Về hình thức sở hữu; Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác… Việc triển khai lấy ý kiến phải bảo đảm được tiến hành rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đồng thời bảo đảm chất lượng, tiến độ, cũng như sự công khai minh bạch, khoa học và tiết kiệm; tránh hình thức. HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các cấp; các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh nghiêm chỉnh, khẩn trương tổ chức lấy ý kiến người dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Các cơ quan thông tin truyền thông chủ động có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các nội dung dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để kịp thời phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân; đăng tải các ý kiến đóng góp của nhân dân với hình thức và thời lượng phù hợp. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cấp, các ngành tập trung lấy ý kiến liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị… 

   

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Đăng Huệ trình bày những nội dung chính trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này được đưa ra lấy ý kiến nhân dân gồm 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều. Đồng thời, việc lấy ý kiến nhân dân được triển khai, chú trọng tập trung theo 4 định hướng cụ thể: Đưa Bộ luật Dân sự trở thành đạo luật nền, chung của hệ thống luật tư; là công cụ hữu hiệu nhất để người dân Việt Nam bảo vệ các quyền dân sự của mình; Hoàn thiện chế định quyền sở hữu và các vật quyền khác để bảo đảm khai thác hiệu quả và tiết kiệm mọi tài nguyên của đất nước; Hoàn thiện các quy định về hợp đồng để thúc đẩy và bảo đảm tính ổn định của quan hệ thị trường.

Cũng tại hội nghị, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Đ/c Lê Thị Liên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp đã trình bày kế hoạch triển khai lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo đó, những nội dung lấy ý kiến gồm: Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; Điều khoản thi hành; Kỹ thuật trình bày. Các hình thức lấy ý kiến Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm; Thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Thông qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh (www.hanam.gov.vn), Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp (www.hanam.gov.vn/vi-vn/stp) và các phương tiện thông tin đại chúng... Thời gian lấy ý kiến từ ngày 5/1 và kết thúc vào ngày 5/4/2015. Sau thời gian trên các Sở, Ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp ý kiến gửi về Sở Tư pháp trước ngày 20/9/2015 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tư pháp.

Kết luận hội nghị, Đ/c Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh một lần nữa khẳng định, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các cấp trong quý I năm 2015. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các cấp tổ chức quán triệt việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng phù hợp với từng đối tượng và tiết kiệm./.

Tú Lệ