Hà Tĩnh – Qua 05 năm thực hiện Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

17/12/2014
Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp (gọi tắt là HTPLDN) là một trong những công cụ hiệu quả nhằm định hướng, nâng cao ý thức, nhận thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên cơ sở quy định của pháp luật. Xác định được vai trò, tầm quan trọng của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh đã chú trọng phát huy công tác này, đặc biệt là sau khi Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp được ban hành thì công tác này ngày càng được tăng cường theo các nội dung, hình thức mà Nghị định đã quy định.
 

Cho đến nay, qua 05 năm thực hiện công tác HTPLDN đã được nhiều kết quả tích cực. Về xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật, tài liệu giới thiệu, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật để giúp DN dễ hiễu, dễ nắm bắt cũng như nhanh chóng chuyến tải các chính sách, quy định liên quan đến doanh nghiệp đã được tỉnh chú trọng thông qua việc chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động tham gia xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời tập hợp kịp thời, đầy đủ các văn bản QPPL và xây dựng thành các cuốn tài liệu giới thiệu, phổ biến cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Bình quân hàng năm, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hơn 5000 tờ thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; 1000 tài liệu các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu từ của tỉnh; thực hiện 972 chuyên trang, chuyên mục trên báo, tạp chí, đài truyền thanh… Nội dung của các tài liệu tập trung giới thiệu các chủ trương, chính sách pháp luật của Trung ương và tỉnh, đặc biệt là các văn bản QPPL có liên quan đến các chính sách ưu đãi đầu tư, trình tự thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, chính sách pháp luật về thuế, nhờ đó các doanh nghiệp đã kịp thời nắm bắt được thông tin về các văn bản QPPL của Trung ương, của tỉnh mới ban hành.

Để nâng cao khả năng tiếp cận cũng như tìm hiểu và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, tỉnh cũng đã chú trọng đến công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, chủ yếu là các kiến thức pháp luật về lao động, bảo hiểm, thuế, hợp đồng, luật đầu tư có yếu tố nước ngoài.... Bình quân mỗi năm tỉnh Hà Tĩnh tổ chức 30 cuộc tập huấn cho gần 20.000 lượt người, bao gồm các đối tượng là người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn; cán bộ làm công tác HTPLDN tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cán bộ làm công tác công chứng, ngân hàng, đăng ký ký quyền sử dụng đất... từ đó làm chuyển biến về nhận thức pháp luật của các chủ doanh nghiệp cũng như người lao động trong doanh nghiệp, một số đơn vị tích cực trong hoạt động này đó là: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Tư pháp ; Sở Khoa học và Công nghệ

Việc tiếp nhận kiến nghị và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp cũng được triển khai thường xuyên, kịp thời và có hiệu quả. Thông qua nhiều hình thức khác nhau như: giải đáp bằng văn bản, giải đáp qua trang thông tin điện tử, bản tin hoạt động của ngành, giải đáp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, thông qua các buổi tọa đàm, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp…nhờ đó nhiều yêu cầu của doanh nghiệp đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận và kịp thời giải đáp hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác HTPLDN trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế đó là: hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đa dạng nên hiệu quả chưa cao; nhận thức của các doanh nghiệp về các quy định pháp luật còn hạn chế, chưa nắm bắt các lợi ích khi tham gia hoạt động hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nên việc vận động, phối hợp thực hiện một số công tác hỗ trợ pháp lý còn gặp khó khăn; biên chế cho công tác pháp chế hiện nay vẫn chưa được kiện toàn đầy đủ, chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này; doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là vừa và nhỏ, phân bố trên địa bàn rộng, chưa bố trí cán bộ phụ trách về pháp lý và các vấn đề liên quan…

Từ thực tế các hạn chế mà công tác HTPLDN đang gặp phải, tôi xin kiến nghị một số vần đề:

Thứ nhất, cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về cách xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản QPPL phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thứ hai, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở địa phương thông qua các cuộc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ liên quan.

Thứ ba, cần đẩy mạnh các hoạt động khảo sát, thu thập ý kiến của doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, từ đó xây dựng nội dung, hình thức hỗ trợ pháp lý phù hợp.

Thứ tư, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành tích cực chủ động phối hợp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách để đảm bảo cho công tác này./.

 

Việt Dũng - Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh