Những thành tích nổi bật trong công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2014 của tỉnh Tuyên Quang

16/12/2014
Thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao Hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, năm 2014, các ngành thành viên trong Hội đồng tiếp tục thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý,Thông tư liên tịch số 11/2013 và các văn bản hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành như: Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 26/5/2014 thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2014; Quyết định số 1509/QĐ-UBND ngày 04/12/2013 về việc Kiện toàn Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, bổ nhiệm 02 Trợ giúp viên pháp lý.
 

Hội đồng phối hợp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2014, ban hành Thông báo kết luận Hội nghị và Kế hoạch số 02/KH-HĐPHLN ngày 15/01/2014 về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2014, xác định những nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung thực hiện.

Công an tỉnh đã ban hành Công văn số 54/CAT-PV11 (PC81B) ngày 08/01/2014 về việc tiếp tục thực hiện các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác quản lý giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Tuyên Quang; Công văn số 153/CAT-PC44 ngày 20/01/2014 về việc hướng dẫn thực hiện công tác TGPL năm 2014; Công văn số 1647/CAT-PC44 ngày 13/6/2014 về việc chấn chỉnh công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng hình sự; Kế hoạch số 34/KH-CAT-PC44 ngày 20/01/2014 về việc kiểm tra thực hiện công tác trợ giúp pháp lý tại các đơn vị thuộc cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh và cấp huyện, cử Điều tra viên nghiên cứu, kiểm tra 26 hồ sơ vụ việc TGPL.

Các cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện và hướng dẫn thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý; Thông tư liên tịch số 11/2013; Cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện đã niêm yết công khai bảng thông tin về trợ giúp pháp lý và hướng dẫn cho công dân.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thành viên Hội đồng đã tạo sự chuyển biến trong năm 2014. Kết quả nổi bật như sau: 

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận và cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - cộng tác viên TGPL tham gia tố tụng. Trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện 119 vụ việc tham gia tố tụng (hình sự 108 vụ, dân sự 11 vụ) cho 174 trường hợp (nam 142, nữ 32) là người thuộc diện được TGPL (người dân tộc thiểu số 120; người nghèo 49; người khuyết tật 01; người có công với cách mạng 01; trẻ em 03), tăng 43,3% về số vụ việc và 77,5% về số người so với cùng kỳ năm 2013.

Trong tổng số 119 vụ việc tham gia tố tụng có 73 vụ việc (chiếm 61,3% tăng 50% so với cùng kỳ năm 2013) do cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cử người tham gia tố tụng; số vụ việc còn lại 46/119 vụ việc (chiếm 38,6%) do người dân nắm được thông qua hoạt động TGPL lưu động và các hình thức thông tin tuyên truyền về TGPL đã trực tiếp có Đơn yêu cầu TGPL tại Trung tâm, Chi nhánh; Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 108/119 vụ việc cho 155 người (chiếm 90,8%, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2013), vụ việc do Luật sư - cộng tác viên thực hiện 11/119 vụ việc cho 19 người (chiếm 9,2%, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2013).

* Đánh giá chung:

Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, kịp thời ban hành các văn bản về công tác trợ giúp pháp lý; Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác và khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác năm 2013, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2014.

Việc phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng cơ bản đã được các cơ quan quan tâm, chỉ đạo thực hiện thành nền nếp. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư - cộng tác viên TGPL thực hiện TGPL ngay từ giai đoạn điều tra, như: Hướng dẫn người được TGPL làm đơn yêu cầu TGPL và tiếp cận với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm; Cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng; sao chụp tài liệu; gặp gỡ, tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo thuộc diện người được TGPL; Công an tỉnh đã ban hành 03 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về TGPL trong hoạt động tố tụng. Tòa án nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng và đầy đủ quy định của Thông tư liên tịch số 11, hiệu lực của Giấy chứng nhận tham gia tố tụng (quy định tại Điều 11, Thông tư liên tịch số 11) được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Số lượng vụ việc TGPL do cơ quan tiến hành tố tụng hướng dẫn công dân chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm trên 60% số vụ việc tham gia tố tụng do Trung tâm thực hiện).

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện TGPL đúng quy định của pháp luật, đáp ứng 100% yêu cầu TGPL của công dân. Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư - cộng tác viên TGPL khi tham gia tố tụng đều chấp hành đúng quy định của pháp luật. 36 vụ án Trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra những căn cứ đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại hoặc những tình tiết giảm nhẹ đã được HĐXX chấp nhận, góp phần cho các hoạt động tiến hành tố tụng được khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ án hình sự, hành vi phạm tội của bị can, bị cáo để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Chất lượng thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, của Luật sư - cộng tác viên TGPL từng bước được nâng lên, bảo đảm quyền lợi của bị can, bị cáo và các đương sự theo quy định của pháp luật, hạn chế kháng cáo và những khiếu kiện vượt cấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. 

Trong năm 2015, Hội đồng phối hợp liên ngành đề ra phương hướng hoạt động như sau:

1. Các cơ quan trong Hội đồng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục thông tin, phổ biến về Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư liên tịch số 11, Quy chế của Hội đồng và các quy định pháp luật về TGPL tới người tiến hành tố tụng và nhân dân. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của công dân trong TGPL và trong tố tụng.

2. Tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành thành viên trong Hội đồng và các cấp, các ngành có liên quan trong hoạt động tố tụng và hoạt động TGPL theo quy định của pháp luật.

3. Thường xuyên trao đổi, phản ánh về chất lượng, hiệu quả tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư - cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích cho công dân về quyền được yêu cầu TGPL, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng.

4. Nâng cao số lượng, chất lượng thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng.

5. Tiếp tục cử viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Trợ giúp viên pháp lý làm nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên và nâng cao năng lực của người thực hiện TGPL trong việc tham gia tố tụng.

6. Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện cung cấp bảng thông tin TGPL, tài liệu tuyên truyền về Luật Trợ giúp pháp lý và tài liệu có liên quan để nhân dân dễ tiếp cận; đồng thời thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, những văn bản pháp luật mới về công tác TGPL cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

7. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ 6 tháng, 01 năm theo đúng Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.