Hội thảo Thực trạng đảm bảo quyền bào chữa và quyền có người bảo vệ của cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Giang

03/12/2014
Hội thảo Thực trạng đảm bảo quyền bào chữa và quyền có người bảo vệ của cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Sáng ngày 03/12/2014, Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Thực trạng đảm bảo quyền bào chữa và quyền có người bảo vệ của cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Giang với gần 100 đại biểu tham gia hội thảo (thành phần: Lãnh đạo Sở Tư pháp, đại diện Tòa án nhân dân tỉnh, đại diện Viện Kiểm soát nhân dân tỉnh, đại diện Công an tỉnh, đại diện Đoàn luật sư, đại diện Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, đại diện Văn phòng UBND tỉnh, đại diện Mặt trận tổ quốc tỉnh, đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu một số Tòa án, Viện Kiểm sát, công an một số huyện trên địa bàn tỉnh, trợ giúp viên pháp lý…). 

Đồng chí Dương Thị Thanh Mai, Tiến sỹ, chuyên viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Chí Thường, Phó giám đốc Sở Tư pháp đồng chủ trì Hội thảo.

Đại diện các cơ quan, ban, ngành đã trình bày tham luận tại Hội thảo với các nội dung:

1. Đánh giá thực trạng tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến quyền bào chữa và quyền có người bảo vệ của cá nhân trên địa bàn tỉnh và công tác hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và Trung tâm trợ giúp pháp lý theo thẩm quyền

- Tổng số hiện nay có 06 luật sư và 04 Văn phòng luật sư; chất lượng đội ngũ luật sư đa số là cán bộ chuyển từ ngành Tư pháp sang và đã nghỉ chế độ.

 - Về lĩnh vực Trợ giúp pháp lý: xác định đây là nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương, hàng năm Sở Tư pháp đã chủ động xây dựng trình UBND tỉnh ban hành các Quyết định hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Kết quả hoạt động: năm 2012 tổng số 2400 vụ việc cho 2400 lượt người, trong đó đại diện bào chữa 14 vụ việc; tư vấn tại trụ sở và TGPL lưu động 2381 vụ việc. năm 2013 tổng số 1870 vụ việc cho 1870 lượt người; trong đó đại diện bào chữa 28 vụ việc, tư vấn tại trụ sở và TGPL lưu động 1842 vụ việc. năm 2014 tổng số 969 vụ việc cho 969 lượt người, trong đó đại diện bào chữa 19 vụ việc, tư vấn tại trụ sở và trợ giúp pháp lý lưu động 950 vụ việc.

2. Thực trạng hoạt động bào chữa, đại diện pháp lý cho cá nhân của đội ngũ Luật sư trong quá trình tố tụng và những biện pháp đảm bảo cho Luật sư tham gia thực hiện hoạt động bào chữa đại diện pháp lý của công dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong thời gian tới.

3. Thực trạng hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo, hoạt động bảo vệ quyền cho đương sự thuộc diện trợ giúp pháp lý của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý: Trợ giúp viên pháp lý đã giúp cho người tiến hành tố tụng hình sự thận trọng hơn trong hoạt động của mình, hạn chế được oan sai, và sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý từ giai đoạn điều tra như là một sự phản biện có lợi cho cơ quan điều tra. Tính từ năm 2010 đến tháng 10/2014 đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư đã tham gia đại diện, bào chữa được 96 vụ việc, trong đó trợ giúp viên tham gia 57 vụ việc cho 28 bị can, 12 bị cáo, 17 bị hại; chia theo lĩnh vực: hình sự 53 vụ việc, dân sự 04 vụ việc.

4. Đánh giá thực trạng thực hiện quyền bào chữa cho người bị bắt, người bị tạm giữ, tam giam, bị can trong giai đoạn điều tra và trách nhiệm của Công an tỉnh trong việc đảm bảo thực hiện các quyền này. Khi thực hiện tiến hành các hoạt động tố tụng như: Khởi tố điều tra, tạm giữ, tạm giam… hoặc bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Cơ quan CSĐT đã chủ động giải thích hướng dẫn cho các đối tượng, người đại diện hợp pháp của các đối tượng và thân nhân của họ hiểu được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trước pháp luật, những chính sách mà các đối tượng được hưởng khi liên quan đến các hoạt động tố tụng.

5. Tọa đàm về thực trạng đảm bảo thực hiện quyền bào chữa và quyền có người đại diện pháp lý của cá nhân ở Việt Nam.

6. Đánh giá thực trạng thực hiện quyền bào chữa, quyền có người bảo vệ pháp lý của cá nhân và trách nhiệm của VKSND tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện các quyền này trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự. Nhận thức được quyền bào chữa, quyền được có người đại diện pháp lý, đồng thời xuất phát từ mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của con người của công dân trong quá trình thực hiện các hoạt động phát hiện, điều tra, truy tố và xử lý tội phạm, người phạm tội. Trong những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hà Giang đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để quyền này được thực thi trong thực tiễn. Cụ thể: từ 30/11/2010 đến 30/10/2014, tổng số án thụ lý của cơ quan điều tra cấp tỉnh là 387 vụ = 842 bị can. Trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho 20 bị can mời Luật sư tham gia bào chữa, chỉ định Luật sư theo khoản 2 điều 57 bộ Luật tố tụng hình sự là 33 vụ = 44 bị can, phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Hà Giang cử trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền lợi cho 59 bị can, 36 bị hại và 13 bị cáo là những người thuộc diện được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định.

7. Đánh giá thực trạng thực hiện quyền bào chữa và quyền có người đại diện pháp lý của cá nhân trong giai đoạn xét xử và trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm thực hiện các quyền này.

- Đánh giá thực trạng thực hiện quyền tự bào chữa của bị cáo và thực hiện việc bào chữa của người bào chữa, việc đại diện cho người bị hại trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự: Từ năm 2010 đến nay Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang thụ lý và xét xử 511 vụ = 606 bị cáo trong quá trình xét xử Tòa án thực hiện nghiêm chỉnh theo Điều 11, Điều 57, Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo, quyền thay đổi, lựa chọn người bào chữa, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa (trong tổng số 511 vụ có 113 vụ có người bào chữa. Trong đó Luật sư bào chữa do Tòa án chỉ định 57 vụ, bị cáo, đương sự nhờ Luật sư bào chữa 05 vụ, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Hà Giang cửa người bào chữa 10 vụ = 12 bị cáo, 16 bị hại.

- Thực trạng thực hiện việc đại diện cho quyền có người đại diện pháp lý cho các đương sự thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý trong giai đoạn xét xử vụ án dân sự. Từ năm 2010 đến nay, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang thụ lý án dân sự sơ thẩm 04 vụ, chủ yếu là thụ lý án dân sự phúc thẩm với tổng số là 122 vụ do có kháng cáo, kháng nghị. Số vụ án Luật sư tham gia là 24 vụ, số vụ án có người đại diện theo ủy quyền là 11 vụ.

Lưu Đức Toàn - Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang