Sở Tư pháp Bến Tre: Hướng dẫn một số vấn đề thường gặp trong công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

26/11/2014
Nhằm đảm bảo hoạt động ban hành văn bản trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp và đúng với quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bến Tre; ngày 25 tháng 11 năm 2014, Giám đốc Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 2165/STP-XDVB về việc hướng dẫn một số vấn đề thường gặp trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản với những nội dung cụ thể như sau:

Về số, ký hiệu, ngày, tháng, năm ban hành

Trong thực tế, có một số trường hợp đánh số văn bản theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì việc đánh số thứ tự phải bắt đầu từ số 01 theo từng loại văn bản cùng với năm ban hành loại văn bản đó. Theo quy định trên thì việc đánh số văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân phải theo năm ban hành, không đánh số văn bản theo nhiệm kỳ.

Về ngày ban hành nghị quyết, một số trường hợp ghi ngày ban hành nghị quyết không thống nhất với ngày thông qua

Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Mục II của Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội vụ - Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày quy định ngày, tháng, năm ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được Hội đồng nhân dân thông qua. Như vậy ngày, tháng, năm ban hành Nghị quyết cũng chính là ngày Hội đồng nhân dân thông qua.

Về phần căn cứ ban hành

Một số văn bản quy phạm pháp luật căn cứ vào các văn bản cá biệt, văn bản của cơ quan Đảng, văn bản do chính cơ quan đó ban hành.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 20/2010/TT-BTP ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật thì căn cứ pháp lý làm cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật là những văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được ký ban hành, thông qua mà chưa có hiệu lực tại thời điểm ban hành nhưng có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành đó. Do đó, đề nghị không đưa văn bản cá biệt, văn bản của cơ quan Đảng, văn bản do chính cơ quan đó ban hành vào phần căn cứ ban hành của văn bản quy phạm pháp luật.

Quy định về viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật

Theo Điểm a Khoản 6 Mục III Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP quy định: “Khi viện dẫn lần đầu văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên loại, trích yếu nội dung văn bản; số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm ban hành văn bản và tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản (trừ trường hợp đối với luật và pháp lệnh); trong các lần viện dẫn tiếp theo, có thể ghi tên loại và số, ký hiệu của văn bản đó”.

Ví dụ: khi viện dẫn lần đầu phải ghi như sau: Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Lần tiếp theo có thể ghi là Quyết định số 1956/QĐ-TTg.

Về sao chép văn bản cấp trên

Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản quy phạm pháp luật không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác và bảo đảm tính thống nhất giữa văn bản hiện hành với văn bản mới được ban hành của cùng một cơ quan.

Việc sao chép lại quy định của văn bản cấp trên thường dẫn đến tình trạng “bỏ bớt” hoặc “thêm vào” các quy định của cấp trên. Đồng thời việc lấy một phần nội dung trong văn bản của cấp trên để quy định lại làm cho việc hiểu và áp dụng quy định của cấp trên không được đầy đủ.

Do đó, trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đề nghị không quy định lặp lại, trường hợp do kỹ thuật trình bày cần phải lặp lại để làm rõ các nội dung khác có liên quan, đề nghị quy định dưới hình thức dẫn chiếu đến văn bản đó (ghi rõ nội dung lặp lại được quy định tại điểm, khoản, điều của văn bản nào).

Về ban hành văn bản bãi bỏ, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật

Theo Điểm c Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 16/2013/NĐ-CP về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật quy định trường hợp ban hành văn bản chỉ có nội dung bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản được rà soát thì cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản hành chính (văn bản cá biệt) để bãi bỏ.

Đối với trường hợp sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật và phải tuân thủ theo đúng quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về điều khoản sửa đổi, thay thế

Trong một số văn bản, tại điều khoản thi hành của văn bản thường ghi câu: “Các quy định trước đây trái với văn bản này đều bị bãi bỏ”. Điều này không phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Theo Khoản 2 Điều 11 của Luật thì văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

Quy định hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật

Theo Khoản 2 Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân không được quy định hiệu lực trở về trước (nội dung văn bản không điều chỉnh những hành vi đã được thực hiện trước thời điểm văn bản có hiệu lực thi hành).

Quy định về Phụ lục văn bản

Theo Điểm d Khoản 11 Mục II Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-BTP quy định trường hợp văn bản có phụ lục kèm theo thì trong văn bản phải có chỉ dẫn về phụ lục đó. Phụ lục văn bản phải có tiêu đề; văn bản có từ hai phụ lục trở lên thì các phụ lục phải được đánh số thứ tự bằng chữ số La Mã.

Về thẩm quyền ký văn bản quy phạm pháp luật

Có một số văn bản ghi thẩm quyền ký ban hành văn bản quy phạm pháp luật là Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì ở địa phương chỉ có Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân mới có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

                                                                                                      Duy Lin