Bộ Tư pháp bồi dưỡng pháp luật về đầu tư tại tỉnh Hà Tĩnh: tỉnh có bước phát triển kinh tế vượt bậc

24/11/2014
Bộ Tư pháp bồi dưỡng pháp luật về đầu tư tại tỉnh Hà Tĩnh: tỉnh có bước phát triển kinh tế vượt bậc
Trên cơ sở Kế hoạch năm 2014 do Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 (sau đây viết tắt là Chương trình 585) phê duyệt, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, ngày 21/11/2014, tại Hà Tĩnh, Ban Quản lý Chương trình 585 và Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh tổ chức thực hiện Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đầu tư, pháp luật về thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế cho gần 100 cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đến dự và khai mạc Hội nghị có PGS. TS Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó trưởng Ban Quản lý Chương trình 585, đại diện Lãnh đạo Tổ Thư ký Chương trình 585. PGS. TS. Hoàng Phước Hiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, Phó trưởng Đoàn Đàm phán WTO trực tiếp trao đổi cùng các đại biểu là người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là các cán bộ Sở Tư pháp, các Sở, ban ngành liên quan và cán bộ tư pháp cấp huyện và doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 8/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến pháp luật đầu tư, pháp luật thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

Đặc biệt tại Chương trình tập huấn, PGS. TS. Hoàng Phước Hiệp đã trực tiếp trao đổi và giải đáp các vướng mắc pháp lý cũng như thực tiễn giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế cho những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại tỉnh Hà Tĩnh, các doanh nghiệp hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng của Tỉnh Hà Tĩnh. Tranh chấp thương mại quốc tế được điều chỉnh cơ bản bởi các đạo luật sau: Luật Thương mại năm 2005, Luật Đầu tư năm 2005, Luật mẫu UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế, Luật Trọng tài năm 2010, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ luật dân sự năm 2005 và các đạo luật chuyên ngành khác như Bộ luật hàng hải năm 2005. Qua đó, chuyên gia tại Chương trình tập huấn đã đi vào phân tích pháp luật và thực tiễn nước ngoài về một số vụ tranh chấp cụ thể đối với Việt Nam như sau:

Thứ nhất, trường hợp Hòa Kỳ chống doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá tra, cá ba sa. Bối cảnh vụ việc xảy ra khi Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA) thuê nhập khẩu cá da trơn từ Việt Nam được gỡ bỏ và Việt Nam chưa trở thành thành viên WTO tại thời điểm đó. Theo đó, ngành sản xuất cá da trơn của Hoa Kỳ cho rằng, có sự gia tăng của lượng nhập khẩu dưới mức giá trị công bằng đối với một số loại cá fi-lê dông lạnh từ Việt Nam và ngành sản xuất này bị thiệt hại và bị đe dọa thiệt hại đáng kể bởi việc nhập khẩu đó. Việc khởi động điều tra bắt đầu từ ngày 24/7/2002 và đây là vụ kiện chống phá giá đầu tiên chống lại Việt Nam;

Thứ hai, trường hợp Liên minh Châu Âu – Chống phá giá Da giày đối với một số sản phẩm da giày nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Ngành sản xuất nội địa chiếm 40% tổng sản phẩm của Cộng đồng Châu Âu cho rằng có bán phá giá vì giá nhập khẩu thấp hơn giá trị thông thường và có thiệt hại do số lượng nhập khẩu và giá cả của hàng hóa nhập khẩu. Vụ việc được chính thức khởi động điều tra từ tháng 7 năm 2005.

Thứ ba, vụ kiện liên quan đến Dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận năm 2013. Ngày 18/11/2010, ông Michael McKenzie, công dân Hoa Kỳ, đã khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Trọng tài quốc tế về dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận với lý do Chính phủ Việt Nam, mà trực tiếp là UBND tỉnh Bình Thuận, đã vi phạm quy định của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ được ký ngày 13 tháng 7 năm 2000. Đây là vụ kiện đầu tư quốc tế đầu tiên mà Việt Nam tham gia.

Qua các vụ việc trên, các chuyên gia và những người làm công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp đã trao đổi các kinh nghiệm liên quan và đối chiếu với trường hợp các doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu kinh tế Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam, cụ thể như sau:

- Chuẩn bị các biện pháp phòng vệ đối với các vụ kiện chống phá giá như duy trì tiêu chuẩn kế toán quốc tế; nghiên cứu trị trường liên quan để quyết định chính sách giá phù hợp; xác định các nhóm lợi ích liên quan như các nhà xuất khẩu cùng loại sản phẩm, các nhà nhập khẩu, các hiệp hội người tiêu dùng ở nước nhập khẩu;

- Tham gia tích cực vào quá trình điều tra các vụ việc như trở thành nhà xuất khẩu hợp tác; chứng minh quy chế NME hoặc IT của mình để tránh quy chế nền kinh tế phi thị trường; tích cực bình luận về sự phù hợp của nước tương tự, mẫu điều tra, PNC…và cần nhanh chóng xác định các yếu tố ngoài yếu tố nhập khẩu mà có thể gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu để ủng hộ các lập luận về quan hệ nhân quả.

- Và quan trọng nhất là việc chuẩn bị các bằng chứng để tranh luận chống lại việc gia hạn áp dụng các biện pháp trong các thủ tục.

   

Để đảm bảo thực hiện các biện pháp nêu trên nhằm chủ động trong các vụ việc tranh chấp quốc tế, ngày 14/1/2014, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đưa ra một quy trình phối hợp, xử lý một vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế. Quyết định quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan từ khi có những khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài cho đến giai đoạn tố tụng. Đặc biệt, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nói rõ những công việc cần thực hiện kể cả sau khi có phán quyết, quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế, nước ngoài để một vụ việc có một cơ quan chủ trì theo từ đầu đến cuối, có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành từ đầu đến cuối, bảo đảm tối đa quyền lợi của đất nước. Theo Quyết định này thì vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp đã được khẳng định rất rõ. Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ là đại diện pháp lý cho Chính phủ trong tất cả các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế và là cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp khi nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ theo các điều ước quốc tế về đầu tư.

Sau Chương trình Hội nghị, Ban Tổ chức cũng đã tham quan và làm việc với đại diện Khu Kinh tế Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh. Khu Kinh tế Vũng Áng được thành lập tháng 4/2006 nhằm khai thác lợi thế vị trí địa lý tự nhiên (gần cảng nước sâu Vũng Áng và Sơn Dương, gần quốc lộ 1A, trên quốc lộ 12A nối với LàoThái Lan, gần mỏ sắt Thạch Khê) để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh miền trung Việt Nam, tạo điểm bứt phá về kinh tế – xã hội trong khu vực Bắc Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ, thu hẹp khoảng cách trong phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập với cả nước và quốc tế. Phát triển Khu Đô thị mới Vũng Áng để đẩy mạnh tốc độ đầu tư và phát triển Khu kinh tế để đến năm 2015 sẽ trở thành một Đô thị hiện đại, một Thành phố Công nghiệp, Du lịch - Dịch vụ, có mối liên kết chặt chẽ với các Khu kinh tế, các Đô thị khác trong vùng; là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng góp phần mở rộng thị trường khu vực Bắc Trung Bộ và trở thành cầu nối với thị trường Lào, Đông bắc Thái Lan, Khu vực và Thế giới. Kết quả cho thấy, năm 2013, tổng số thu ngân sách nội địa của tỉnh Hà Tĩnh đã phát triển vượt bậc, từ một tỉnh lỵ được tách từ tỉnh Nghệ An (Nghệ Tĩnh cũ) từ năm 1991 với thu ngân sách vài chục tỷ đồng, đến vài trăm tỷ đồng thì năm 2013 đã đạt trên 4.280 tỷ đồng, bằng 151% dự toán Trung ương giao. Dự kiến, năm 2014, tổng số thu ngân sách trên địa bàn Hà Tĩnh hơn 11.000 ngàn tỷ đồng. Đây là con số tưởng chừng “trong mơ” của một tỉnh khó khăn của dải đất miền trung và dự kiến năm 2014 với sự đóng góp hiệu quả của Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh sẽ có số thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả này, từ địa phương có số thu thấp, Hà Tĩnh trở thành tỉnh có số thu ngân sách trung bình khá của cả nước. Thành tích đạt được trên lĩnh vực huy động thuế và phí có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, trong đó nổi bật nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong khu kinh tế Vũng Áng, vì vậy, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Hà Tĩnh nói chung và đặt biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói riêng đặc biệt được tỉnh quan tâm, nhất là các quy định pháp luật về đầu tư và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

Trần Minh Sơn

Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp