Sơn La: Ban hành kế hoạch triển khai Đề án thực hiện "Thỏa thuận giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào"

18/11/2014
Thực hiện Quyết định số 1662/QĐ-BTP ngày 15/7/2014 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai Đề án thực hiện "Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa DCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước". Căn cứ tình hình thực tế liên quan đến người di cư tự do và kết hôn không giá thú thuộc vùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào thuộc tỉnh Sơn La, để đảm bảo việc giải quyết các nội dung liên quan đến việc đăng ký hộ tịch và giải quyết việc nhập quốc tịch cho các trường hợp theo nội dung Thỏa thuận đã đề cập. Ngày 14/11/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND triển khai việc rà soát thống kê, phân loại và đăng ký nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch cho các trường hợp di cư tự do và kết hôn không giá thú trên địa bàn biên giới tỉnh Sơn La (Gọi tắt là Kế hoạch 95).

Việc triển khai Kế hoạch 95 được thực hiện trên địa bàn 94 xã  thuộc 6 huyện biên giới của tỉnh Sơn La bao gồm: Huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu và Vân Hồ.

* Đối tượng rà soát bao gồm:

- Người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào có thời gian di cư tự do sang Việt Nam từ trước năm 1985 đến nay được chia theo mốc thời gian cụ thể như sau:

+ Từ trước năm 1985;

+ Từ 1986 đến 08/7/2013;

+ Từ sau 08/7/2013 đến nay.

Sau khi rà soát, phân loại thành 2 nhóm đối tượng: Nhóm được phép cư trú và nhóm phải trở về nước gốc.

Đối với nhóm được phép cư trú (Sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cư trú tại Việt Nam), tiến hành thực hiện việc đăng ký hộ tịch, đăng ký kết hôn; xác nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc hoàn thiện hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam (Những trường hợp có nguyện vọng) theo thủ tục đơn giản hóa trình tự, thủ tục. Miễn lệ phí giải quyết về Quốc tịch, hộ tịch cho những trường hợp được phép cư trú theo quy định. Không xem xét, giải quyết các trường hợp di cư tự do sau ngày 08/7/2013 (Ngày Thỏa thuận được ký).

* Nội dung cụ thể của kế hoạch:

- Rà soát, thống kê, lập danh sách, phân loại đối tượng di cư tự do và kết hôn không giá thú theo mốc thời gian cụ thể. Việc rà soát được tiến hành theo từng hộ (trong đó xác định chủ hộ và tổng số nhân khẩu trong cùng hộ cũng như mối quan hệ huyết thống của các nhân khẩu này với chủ hộ).

- Tiến hành các thủ tục cần thiết để đăng ký hộ tịch, đăng ký kết hôn và giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc tịch như xác nhận có quốc tịch Việt Nam, hoặc hướng dẫn lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đối với những trường hợp được phép cư trú và có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam.

* Thời gian hoàn thành:

Việc rà soát, thống kê, phân loại, lập danh sách cho các trường hợp nêu trên hoàn thành trước 28/02/2015;

Thực hiện việc giao nhận những trường hợp do phía Lào trao trả và những trường hợp không được phép cư trú ở Việt Nam (Theo kế hoạch 2301/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ngày 29/8/2014);

Việc hướng dẫn và đăng ký hộ tịch (Gồm Đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh và những nội dung liên quan đến hộ tịch); Xác nhận có quốc tịch Việt nam hoặc lập hồ sơ xin nhập quốc tịch cho các trường hợp được phép cư trú tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký kết hôn và có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam hoàn thành trước 31/3/2016.

* UBND tỉnh Sơn La giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, xã biên giới cụ thể như sau:

- Sở Tư pháp:

+ Tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án thực hiện " Thỏa thuận giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào" trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hướng dẫn và lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho các đối tượng được phép cư trú tại Việt Nam ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào trên phạm vi tỉnh.

+ Phối hợp với Cục Quốc tịch, hộ tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, nghiệp vụ xác nhận có quốc tịch Việt Nam và cách thức lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho cán bộ tư pháp - hộ tịch thuộc Sở Tư pháp và UBND 86 xã vùng biên giới.

+ Tiến hành việc kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện kế hoạch đảm bảo hoàn thành đúng thời quy định. Có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện kế hoạch cho UBND tỉnh. Chủ động giải quyết, xin ý kiến chỉ đạo về nghiệp vụ của Bộ Tư pháp khi có vướng mắc về nghiệp vụ cần xử lý trong quá trình thực hiện.

- Các ngành, UBND huyện, xã biên giới có liên quan:

+ Sở Tài Chính:

Phối hợp với Sở Tư pháp lập dự toán cấp kinh phí cho việc triển khai thực hiện kế hoạch này bao gồm kinh phí tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ, kinh phí biểu mẫu đăng ký hộ tịch, quốc tịch; tiền công tác phí…

+ Công an tỉnh:

Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Thực hiện việc điều tra xác minh phân loại những đối tượng được phép và không được phép cư trú tại Việt Nam làm căn cứ cho việc xem xét nhập quốc tịch Việt Nam khi các đối tượng này có nguyện vọng xin nhập quốc tịch Việt Nam. Hướng dẫn và thực hiện việc đăng ký cư trú, cấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu và các giấy tờ cần thiết khác cho những người được phép cư trú theo quy định của Thỏa thuận.

+ Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng:

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới Việt Nam - Lào tuyên truyền, vận động nhân dân (Đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông) hiểu rõ và thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về ổn định dân cư, giải quyết di cư tự do, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các xã biên giới. Chủ động nắm tính hình, đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch, phản động, các phần tử xấu kích động, lôi kéo người dân di cư tự do gây mất trật tự an ninh biên giới. Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng chuyên ngành đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ biên giới, vượt biên, nhập cư, cư trú trái phép, và những hành vi khác xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự trị an ở khu vực biên giới;

Phối hợp với Tổ Chuyên viên liên hợp thực hiện việc rà soát, thống kê, lập danh sách và đăng ký cho các đối tượng kết hôn không đăng ký, các trường hợp có nguyện vọng xin nhập quốc tịch Việt Nam bao gồm các trường hợp được phép cư trú và trường hợp do phía Lào trao trả.

+ UBND các huyện biên giới:

Trên cơ sở kế hoạch và chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Công an huyện, Bộ đội biên phòng và UBND các xã thực hiện việc rà soát, lập danh sách, thống kê phân loại các đối tượng và thực hiện việc đăng ký hộ tịch, đăng ký kết hôn; hướng dẫn lập và hoàn thiện hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho các trường hợp được phép cư trú tại Việt Nam cũng như trường hợp do phía Lào trao trả.

Chỉ đạo UBND cấp xã chủ động có kế hoạch triển khai việc rà soát, thống kê, phân loại các đối tượng kế hoạch đã đề ra; phối hợp với Tổ Chuyên viên liên hợp thực hiện việc rà soát, phân loại và lập danh sách các đối tượng trong diện rà soát và thực hiện việc đăng ký kết hôn, khai sinh; nhận cha, mẹ, con theo thẩm quyền khi có danh sách đồng ý cho cư trú tại Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền.Tạo thuận lợi cho tổ Chuyên viên liên hợp tiếp cận địa bàn thực hiện việc rà soát, điều tra, xác minh, lập danh sách đảm bảo hiệu quả, đáp ứng đúng tiến độ về thời gian.

Tổng hợp và báo cáo kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện kế hoạch tại cơ sở cho Sở tư pháp.

+ UBND các xã biên giới:

Tổ chức tuyên truyền đến quần chúng nhân dân (đặc biệt chú trọng các trường hợp cần được rà soát, lập danh sách) về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch cũng như việc giải quyết việc xin nhập quốc tịch Việt Nam của các trường hợp có nguyện vọng và được phép cư trú tại Việt Nam.

Chỉ đạo Cán bộ - Tư pháp xã Chủ động phối hợp với Tổ Chuyên viên liên hợp thực hiện rà soát, lập danh sách các trường hợp theo Kế hoạch đã đề cập. Tổ chức việc đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo thẩm quyền luật định.

Báo cáo tình hình cũng như đánh giá những khó khăn, vướng mắc của địa bàn xã trong việc Sơ bộ rà soát, lập danh sách các trường hợp theo kế hoạch này đã đề cập. Việc lập danh sách phải đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh; mối quan hệ gia đình với công dân việt nam tại nơi đang cư trú (Theo mẫu quy định).

Chủ động bố trí thời gian tham gia, tạo điều kiện để Tổ Chuyên viên liên hợp tiếp cận địa bàn thực hiện việc rà soát, lập danh sách được thuận lợi, tiết kiện thời gian, đảm bảo công việc đạt hiệu quả.

Tổ chức việc đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch đúng trình tự, thủ tục./.

Bùi Huy Toàn