Hội thảo thực trạng đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong các dự án có thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai

02/12/2013
Hội thảo thực trạng đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong các dự án có thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Sáng ngày 29/11/2013, tại Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội thảo Thực trạng đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong các dự án có thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Hiển – Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và đồng chí Rơ Châm Keo – Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí là đại diện các cơ quan trên địa bàn tỉnh như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tòa án nhân dân tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh... và đại diện một số huyện trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày báo cáo tham luận về thực trạng đảm bảo quyền và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp. Theo báo cáo, việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh chỉ đạo thường xuyên, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã có sự phối hợp, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã tồn tại những khó khăn, vướng mắc như: Quỹ đất sử dụng cho đền bù chưa phù hợp cả về điều kiện sản xuất, sinh hoạt và các điều kiện khác cho người dân được đền bù; Đa số người dân trên địa bàn tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số cuộc sống gắn liền với lao động, sản xuất nông nghiệp... Do đó, phương án xây dựng nhà liền kề tại khu vực tái định cư có nhiều bất cập, không hiệu quả, không phù hợp với tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân địa phương; điều kiện cơ sở đào tạo, dạy nghề... chưa đáp ứng được yêu cầu về đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp... cho các hộ có đất bị thu hồi; chưa có quy định hỗ trợ canh tác, hỗ trợ cải tạo đất nông nghiệp mới khai hoang...

 

Tại Hội thảo các đại biểu đã đề xuất, thảo luận các phương án, cách thức giải quyết như: Nên có phương án quy hoạch, đền bù bằng đất nông nghiệp; quy định chặt chẽ về chất lượng đất nông nghiệp (độ phì nhiêu của đất) dùng để bố trí tái định cư; Sau khi người dân di dời đến khu tái định cư mới thì các ngành, các cấp có liên quan phải có kế hoạch kiểm tra, đánh giá mức độ ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất ở nơi định cư mới đảm bảo vùng tái định cư người dân phải hưởng được lợi ích bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ; Có phương án, giải pháp xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm trong công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như bồi thường quyền lợi cho người cho người sử dụng đất; khắc phục tình trạng người dân đã giao đất theo quy hoạch, giải tỏa nhưng khu tái định cư phải mất 2, 3 năm sau người tái định cư mới được bố trí nơi ở mới, gây rất nhiều khó khăn cho các hộ gia đình bị thu hồi đất...

Phát biểu kết thúc Hội thảo đồng chí Nguyễn Văn Hiển đánh giá cao các tham luận, các ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện các cơ quan, các ngành liên quan về thực trạng và các giải pháp bảo đảm quyền và lợi ích của người dân trong các dự án có thu hồi đất nông nghiệp. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để tổng hợp xây dựng các quy định về thu hồi, giải tỏa, đền bù trong các dự án thu hồi đất nông nghiệp bám sát thực tiễn hơn trong thời gian tới.

Trước đó, Đoàn đã làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, dự kiến đoàn sẽ tiếp tục khảo sát tại huyện Kbang và thị xã An Khê.

 Đại Đồng - Sở Tư pháp Gia Lai