Cà Mau: Kết quả kiểm tra công tác đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm năm 2013

14/11/2013
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm theo quy định của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, ngày 07/10/2013 đến ngày 10/10/2013, Đoàn kiểm tra Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra tại 04 Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐK) trên địa bàn tỉnh gồm: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Cà Mau, thành phố Cà Mau, huyện Ngọc Hiển và huyện Năm Căn.

Qua việc kiểm tra, các VPĐK đã đạt được những kết quả như: Các VPĐK đều thực hiện đăng ký các hợp đồng đảm bảo đúng thẩm quyền được quy định theo Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và Điều 5 Thông tư số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 của Liên Bộ Tư pháp-Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Về công tác tổ chức của các VPĐK: cơ bản đều có bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch đảm bảo, có một số VPĐK phân công từ 03 đến 04 cán bộ phụ trách công tác đăng ký như VPĐK huyện Ngọc Hiển, thành phố Cà Mau. Nhìn chung các cán bộ đều được đào tạo bồi dưỡng, tập huấn qua các lớp nghiệp vụ.

Về cơ sở vật chất: hầu hết các đơn vị đều được cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quan tâm, tạo điều kiện trong việc bố trí phòng làm việc, nơi tiếp dân, các trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn. Các VPĐK được trang bị máy vi tính để hỗ trợ cho hoạt động nghiệp vụ, áp dụng công nghệ thông tin qua các phần mềm quản lý như VPĐK cấp tỉnh, VPĐK thành phố Cà Mau.

Bên cạnh đó việc tiếp nhận và xử lý các hồ sơ đăng ký của cá nhân, hộ gia đình đều được tổ chức và thực hiện qua từng bước công việc rất cụ thể và chặt chẽ đảm bảo đúng quy trình ISO được xây dựng dựa trên bộ thủ tục hành chính đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và công bố.

Việc thu lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm được thực hiện theo Nghị quyết số 14/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của HĐND tỉnh và Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ.

Bên cạnh kết quả đạt được, các VPĐK trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: có 02 VPĐK không bố trí cán bộ làm công tác đăng ký chuyên trách mà phân công kiêm nhiệm như: VPĐK cấp tỉnh, VPĐK huyện Năm Căn. Có Văn phòng trụ sở làm việc còn thiếu, việc quản lý dữ liệu đã đăng ký của hầu hết các đơn vị chủ yếu thực hiện thủ công (VPĐK huyện Ngọc Hiển, VPĐK huyện Năm Căn). Việc chứng nhận mẫu đơn còn một số trường hợp áp dụng không đúng mẫu (VPĐK huyện Ngọc Hiển), trong thành phần hồ sơ đăng ký còn quy định thêm “giấy chứng minh nhân dân photo có chứng thực”. Chưa áp dụng đúng quy định việc miễn lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm theo Nghị định số 41 cho các trường hợp.

Để công tác đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đạt hiệu quả cần quan tâm bổ sung biên chế, đầu tư cơ sở vật chất cho các VPĐK, có chính sách hỗ trợ cho cán bộ đăng ký để thực hiện tốt hơn công tác đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch đảm bảo. Tiếp tục triển khai, quán triệt cho cán bộ thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP và Thông tư số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT và các văn bản có liên quan để đảm bảo hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm phải thực hiện đúng theo quy định.

Cần quan tâm phân công, bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác đăng ký để kịp thời bổ sung nhân lực cho các VPĐK. Đồng thời UBND các huyện, thành phố cần quan tâm chỉ đạo, có giải pháp hỗ trợ nơi làm việc rộng rãi hơn và trang bị thêm phương tiện làm việc cho các VPĐK trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu cho người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu./.

Trần Thị Giang