Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thăm và làm việc với Sở Tư pháp tỉnh

19/09/2013
Ngày 18 tháng 9 năm 2013, đồng chí Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp tỉnh về công tác tư pháp năm 2013, phương hướng nhiệm vụ chủ yếu năm 2014 của Sở.

Tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo Sở Tư pháp, đại diện Lãnh đạo các cơ quan: Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính và thủ trưởng các phòng, đơn vị thuộc Sở Tư pháp.

Sau khi nghe báo cáo của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khẳng định, Sở đã thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp, bám sát các chương trình, đề án trọng tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp. Trong triển khai thực hiện, có sự phối hợp đồng bộ với các ngành. Đặc biệt, công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật với chất lượng thẩm định tốt, tiến độ nhanh đã góp phần đảm bảo nội dung các kỳ họp Hội đồng nhân dân cũng như hỗ trợ tích cực cho các cơ quan trong công tác này. Việc tham mưu soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Sở Tư pháp thực hiện đạt chất lượng cao, đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 15 văn bản liên quan đến công tác tư pháp của tỉnh. Công tác bán đấu giá tài sản góp phần rất lớn trong việc bảo đảm thu ngân sách của tỉnh, các tổ chức bán đấu giá đã thực hiện 387 phiên, thu gần 396 tỷ đồng. Công tác nhập quốc tịch đối với các trường hợp di cư tự do tại vùng biên giới huyện A Lưới được giải quyết tốt. Công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính là nhiệm vụ mới được chuyển giao lại từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp đã tiếp nhận gần như “nguyên trạng” từ nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí nên có những thuận lợi nhất định trong thực hiện,…

Một số kết quả công tác khác cũng được ghi nhận. Công tác kiểm tra văn bản, đã kiểm tra và tự kiểm tra 236 văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế ban hành. Qua đó phát hiện một số văn bản có sai sót về hình thức, nội dung, kịp thời kiến nghị các giải pháp khắc phục. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; quán triệt, triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành một cách kịp thời. Trợ giúp pháp lý đã tư vấn, hướng dẫn 593 vụ việc, thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 162 đối tượng thuộc diện được trợ giúp,…

Bên cạnh đó, đồng chí cũng lưu ý thêm, trong công tác văn bản pháp luật phải luôn thực hiện theo nguyên tắc “hướng đến người dân, thuận lợi cho nhân dân, phục vụ nhân dân”, tránh tình trạng một số đơn vị ban hành văn bản chỉ nhằm thuận lợi cho cơ quan mình mà chưa quan tâm đến người dân.

Công tác pháp chế hiện nay chưa được một số đơn vị quan tâm đúng mức. Vì vậy, Sở Tư pháp phải tham mưu biện pháp chấn chỉnh, phối hợp với Sở Nội vụ rà soát lại đội ngũ công chức pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, ưu tiên bố trí thực hiện chuyên trách công tác pháp chế đối với những người đã được tuyển dụng cho vị trí này.

Công tác bán đấu giá tài sản đã được thực hiện tốt nhưng cần có quy trình, giải pháp để phòng chống tiêu cực, tăng cường đội ngũ đấu giá viên, đào tạo cán bộ; thường xuyên rà soát phẩm chất, trình độ chuyên môn đội ngũ này.

Công tác giám định tư pháp được đặc biệt quan tâm. Từ thực tiễn một số vụ việc chưa có hướng giải quyết do thiếu giám định viên tư pháp, vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là Sở Tư pháp phải tham mưu xây dựng hệ thống giám định viên tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước mắt, yêu cầu các Sở, ngành phải cử cán bộ làm giám định viên tư pháp theo quy định ở những lĩnh vực có nhu cầu, đồng thời có chương trình đào tạo đội ngũ này. Tiến hành đánh giá toàn diện thực trạng và xây dựng đề án thực hiện để trình Ủy ban nhân dân tỉnh.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã hoàn thành các nhiệm vụ nhưng cần đánh giá đúng thực chất hiệu quả. Qua đó nghiên cứu giải pháp, cách làm để nâng cao chất lượng hơn nữa, góp phần thiết thực vào việc hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.

Đối với các kiến nghị, khó khăn của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo phương hướng giải quyết, như: Xây dựng kho lưu trữ hồ sơ của Sở Tư pháp, kho lưu trữ của Phòng Công chứng số 1,… Trong đó, về công tác công chứng, hiện nay, tỉnh có 04 tổ chức hành nghề công chứng (02 Phòng công chứng và 02 Văn phòng công chứng). Để khắc phục tình trạng một số tài sản là bất động sản được công chứng ở nhiều nơi nhằm vay vốn ở các ngân hàng khác nhau, gây nên những hệ lụy về mặt xã hội, đồng chí nhất trí về chủ trương trong năm 2014 sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản và Quy chế khai thác, sử dụng, cung cấp thông tin dữ liệu giữa các tổ chức hành nghề công chứng với các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, hiện nay khi chưa có cơ sở dữ liệu này, thì phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá đối với công tác công chứng, có biện pháp phối hợp giữa các cơ quan liên quan, hỗ trợ thông tin lẫn nhau để khắc phục bất cập trên.

Trong công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ tư pháp ở cấp xã phải đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Theo báo cáo, đến nay có 254 công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã, trong đó có 209 người có trình độ trung cấp luật trở lên, 05 người có trình độ đại học khác, 30 người trung cấp khác và 10 người chưa qua đào tạo. Đối với những người không có trình độ chuyên môn luật và chưa qua đào tạo thì cần có phương án bồi dưỡng, đào tạo để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phải kiên quyết khắc phục tình trạng tuyển dụng cán bộ không đúng chuyên môn, sau đó mới cho đi đào tạo ở một số đơn vị cấp xã,…

Trên cơ sở các chủ trường, định hướng đó, đồng chí đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với các ngành để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ năm 2014. Cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp nỗ lực, thực hiện nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật hành chính theo Chỉ thị số 51/2012/CT-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của ngành Tư pháp cũng như của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguyễn Thị Đào – Sở Tư pháp TT. Huế