Hậu Giang: Kết quả 02 năm triển khai, thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ

13/09/2013
Sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế có hiệu lực thi hành, lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan rà soát để có biện pháp củng cố, kiện toàn, tăng cường công tác pháp chế, nhất là ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

Đồng thời, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nội vụ tích cực tham mưu UBND tỉnh ký ban hành các văn bản triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gồm: Quyết định số 1133/QĐ-UBND ngày 02/5/2012 về việc phê duyệt Đề án thành lập Phòng Pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Quyết định số 1342/QĐ-UBND ngày 13/6/2012 về việc thành lập Phòng Pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Chỉ thị số 14/2012/CT-UBND ngày 14/12/2012 về việc xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện tốt Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức triển khai, mở lớp tập huấn các nội dung liên quan đến công tác pháp chế cho công chức pháp chế ở các sở, ban, ngành tỉnh và doanh nghiệp trên địa bàn. Lãnh đạo các, sở, ban, ngành, tổ chức và đơn vị nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác pháp chế, từ đó việc thành lập, củng cố Phòng Pháp chế và cử người làm công tác pháp chế chuyên trách được thực hiện khá tốt. Hầu hết công chức, viên chức, nhân viên làm công tác pháp chế đã phát huy vai trò của mình trong việc tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; công tác xây dựng pháp luật; công tác kiểm tra, rà soát văn bản, theo dõi tình hình thi hành pháp luật...

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP phải thành lập 14 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh đã ra Quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và thành lập Phòng Pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (gồm: Sở Nội vụ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Giao thông vận tải; Sở Thông tin và Truyền thông).

Về số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện nay là: 55 người, trong đó, có 24 chuyên trách, 31 kiêm nhiệm; (trong đó: 27 công chức có trình độ đại học luật, 28 công chức có trình độ đại học chuyên ngành khác).

Đối với công tác quản lý và cơ chế phối hợp giữa tổ chức pháp chế với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Thời gian qua, vai trò lãnh chỉ đạo hoạt động các tổ chức pháp chế của lãnh đạo các sở, ngành tỉnh ngày càng được tăng cường. Cơ chế phối hợp giữa tổ chức pháp chế và các đơn vị thuộc sở, giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong công tác pháp chế ngày càng được tăng cường và thực hiện đồng bộ. UBND tỉnh đã có văn bản triển khai tăng cường công tác pháp chế; có sự chỉ đạo sát sao và kiểm tra thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi về biên chế, cơ sở vật chất; giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác.

Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực thi hành đó là cơ sở pháp lý quan trọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác pháp chế trong việc quản lý Nhà nước và xã hội; góp phần nâng cao vị trí, vai trò của công tác pháp chế, thực hiện củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác pháp chế trong giai đoạn chiến lược mới. Tuy nhiên, qua 02 năm triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những bất cập, hạn chế cơ bản sau: Việc thành lập và củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế ở một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, số lượng biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, chủ yếu bố trí 01 công chức chuyên trách hoặc công chức kiêm nhiệm. Về số lượng, chất lượng đội ngũ làm công tác pháp chế, tuy đã có sự củng cố về số lượng, song năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, cơ quan chưa đảm bảo phân bổ chỉ tiêu và bố trí cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế theo yêu cầu của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP mà chủ yếu vẫn còn kiêm nhiệm; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế thường xuyên bị thay đổi nên việc tham mưu triển khai thực hiện công tác này cũng còn gặp nhiều khó khăn; bản thân một số công chức làm công tác pháp chế chưa phát huy hết vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị mình thực hiện tốt các hoạt động của công tác pháp chế.

Nhằm tăng cường công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh, bảo đảm lực lượng này thật sự đủ mạnh để tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị, giúp UBND tỉnh trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng văn bản quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với đội ngũ làm công tác pháp chế; thường xuyên cấp phát các sách, tài liệu về kỹ năng và tiếp tục mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác pháp chế trong các lĩnh vực đang công tác./.

Ánh Nguyệt