Cà Mau: Thành lập Phòng Pháp chế thứ 14

09/09/2013
Thực hiện Quyết định số 365/QĐ-UBND ngày 07/3/2012 phê duyệt Đề án “Thành lập, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2015”, ngày 04/9/2013, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1259/QĐ-UBND thành lập Phòng Pháp chế thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó:

Phòng Pháp chế thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư có Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng và Chuyên viên giúp việc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Lãnh đạo phòng thực hiện theo phân cấp quản lý công chức hiện hành. Biên chế của Phòng Pháp chế được bố trí trong tổng biên chế công chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư được Chủ tịch UBND tỉnh giao hàng năm. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Pháp chế theo quy định hiện hành.

Được biết, đây là Phòng Pháp chế thứ 14 của tỉnh Cà Mau được thành lập theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, như vậy đến nay tỉnh đã hoàn thành 100% việc thành lập Phòng Pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo quy định tại khoản 1, Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, tỉnh còn thêm 01 Phòng pháp chế ghép (Phòng Pháp chế - Phòng, chống tham nhũng – Xử lý sau thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh theo Quyết định số 09/2009/QĐ-UBND ngày 02/6/2009 của UBND tỉnh ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh Cà Mau).

Theo số liệu thống kê tổ chức công tác pháp chế được cập nhật đến tháng 7/2013, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 26 tổ chức, cán bộ làm công tác pháp chế, trong đó 15 phòng pháp chế thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 11 tổ, đội, cán bộ pháp chế các sở, ngành và doanh nghiệp nhà nước, với 84 cán bộ pháp chế (40 kiêm nhiệm, 44 chuyên trách); trình độ đại học luật 34, đại học khác 50; trình độ chính trị đại học, cao cấp 18 người; trung cấp chính trị 28 người; thời gian làm công tác pháp chế trên 10 năm là 5 người, từ 5 năm đến 10 năm là 12 người và dưới 5 năm là 65 người./-

Thùy Trang