Cà Mau: Những chuyển biến trong công tác pháp chế

09/09/2013
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP là cơ sở pháp lý nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác pháp chế; nâng cao vị trí, vai trò của các tổ chức pháp chế và hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế trong tình hình mới. Sau khi tiếp thu Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp Cà Mau đã chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1688/QĐ-UBND ngày 03/11/2011 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; Quyết định số 365/QĐ-UBND ngày 07/03/2012 phê duyệt Đề án thành lập, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2015; tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và các văn bản liên quan đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Qua triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Hầu hết các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước và một số ban, ngành tỉnh đã chủ động sắp xếp, bố trí cán bộ, xây dựng Đề án thành lập, kiện toàn tổ chức pháp chế, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác pháp chế cho phù hợp với quy định hiện hành.

Kết quả 02 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, tỉnh Cà Mau đã thành lập 14 phòng, 08 tổ, 01 đội pháp chế và 02 doanh nghiệp có cán bộ làm công tác pháp chế và cố vấn pháp lý (trong đó 13/14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã thành lập Phòng pháp chế, hiện còn 01 cơ quan đang trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Phòng pháp chế). Về biên chế: Theo Đề án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 365/QĐ-UBND, mỗi Phòng pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có từ 03 - 04 biên chế. Đối với các cơ quan không thuộc diện bắt buộc thành lập Phòng pháp chế căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ đề xuất thành lập Phòng pháp chế hoặc bố trí 01 công chức pháp chế chuyên trách. Đối với doanh nghiệp nhà nước, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ của doanh nghiệp mà quyết định thành lập tổ chức pháp chế phù hợp; những đơn vị không thành lập tổ chức pháp chế thì có thể bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách hoặc thuê luật sư, luật gia hoặc người có trình độ pháp luật làm cố vấn pháp lý. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 80 cán bộ pháp chế (38 kiêm nhiệm, 42 chuyên trách). Về trình độ chuyên môn: có 34 cán bộ tốt nghiệp đại học luật và 46 cán bộ tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác. Nhìn chung, với đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế hiện có đã góp phần cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật; tham mưu xây dựng, đề xuất ban hành nhiều văn bản pháp luật để quản lý, chỉ đạo, điều hành và sản xuất, kinh doanh.

Với vai trò quản lý nhà nước về công tác pháp chế, hàng năm Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn việc thực hiện và phân công cán bộ làm đầu mối theo dõi kết quả triển khai thực hiện. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cho 70 cán bộ pháp chế; cử 36 lượt cán bộ pháp chế tham gia các lớp tập huấn do Bộ, ngành Trung ương tổ chức. Năm 2013, tỉnh tiếp tục mở lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, nhất là lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trong công tác pháp chế được thực hiện khá chặt chẽ từ xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức, sắp xếp bố trí nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động... để tổ chức pháp chế hoạt động có hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Từ đó công tác pháp chế được củng cố, kiện toàn, hoạt động mang lại kết quả tốt.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định: Về công chức pháp chế chuyên trách: Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định “Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn ngoài các cơ quan chuyên môn quy định tại khoản 1 Điều này”. Quy định như vậy là không khả thi, vì việc tăng thêm biên chế hàng năm do Bộ Nội vụ quy định. Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định: người làm công tác pháp chế phải là có trình độ cử nhân luật trở lên; người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác pháp luật. Quy định như vậy rất khó cho các sở, ngành khi thành lập Phòng pháp chế, vì không tìm được đủ số cán bộ có trình độ cử nhân luật trở lên và ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác pháp luật lại càng khó khăn hơn. Việc triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương và địa phương về công tác pháp chế của một vài sở, ngành còn chậm, đến nay còn 01 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa thành lập Phòng pháp chế (do thiếu biên chế). Số lượng cán bộ pháp chế còn thiếu, phần lớn là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm chuyên môn, chưa đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định chiếm trên 50%. Bên cạnh đó, nhận thức của Thủ trưởng một vài sở, ngành và doanh nghiệp nhà nước về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác pháp chế chưa đầy đủ nên chưa thật sự quan tâm củng cố, kiện toàn, thành lập tổ chức và bố trí cán bộ làm công tác pháp chế, cán bộ pháp chế cũng thường xuyên thay đổi, bố trí công tác khác làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Do đó chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao, chưa xứng tầm với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, nhất là chuyên ngành luật. Các buổi tập huấn nghiệp vụ mới dừng lại ở việc giới thiệu các văn bản pháp luật mới. Chưa có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ pháp chế nên chưa thu hút khuyến khích động viên được đội ngũ cán bộ này nhiệt tình tham gia. Kinh phí hoạt động của tổ chức pháp chế nằm trong kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước nên hầu hết các sở, ngành chưa bố trí hoặc có bố trí nhưng rất hạn chế cho công tác này. Chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nên một số nhiệm vụ triển khai thực hiện còn khó khăn: biên chế, phụ cấp ưu đãi nghề, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ…

Để công tác pháp chế đi vào nề nếp và hoạt động đạt hiệu quả tốt, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Tư pháp sớm trình Chính phủ ban hành quy định phụ cấp ưu đãi theo nghề được quy định khoản 2, Điều 12, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP “Công chức, cán bộ và viên chức pháp chế quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3, Điều 11 Nghị định này được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề”. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể số lượng biên chế của Phòng pháp chế và Tổ pháp chế; quy định trường hợp nào thì doanh nghiệp nhà nước phải có tổ chức pháp chế, nhân viên pháp chế chuyên trách. Định kỳ hàng năm mở lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ pháp chế và cán bộ Sở Tư pháp trực tiếp quản lý công tác pháp chế./-

Hoàng Lộc