Năm 2006, ngành Tư pháp An Giang triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp

02/03/2007
Thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ tỉnh uỷ về việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị giai đoạn 2006 –2010; Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động cải cách tư pháp của ngành tại địa phương, Sở Tư pháp An Giang đã xây dựng Kế hoạch số 09/KH-TP ngày 10/03/2006 và tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Trong năm 2006, Sở Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh xây dựng trình UBND tỉnh ban hành 57 văn bản phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước của tỉnh trên các lĩnh vực: Kinh tế; Thương mại - dịch vụ; Giáo dục- y tế; Tài nguyên và Môi trường; Công nghệ thông tin, tổ chức bộ máy Nhà nước; Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/2006/CT-UBND ngày 25/8/2006 kịp thời  chấn chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi tỉnh; Sở Tư pháp đã tiếp nhận thẩm định 100 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND-UBND tỉnh gồm : 17 Nghị quyết, 61 Quyết định, 22 Chỉ thị. Việc thẩm định đã thực hiện đúng thời gian, yêu cầu để phục vụ kịp thời các kỳ họp HĐND và UBND thông qua đúng quy trình, thủ tục; Hoàn thành việc rà soát văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh liên quan đến các quy định của pháp luật dân sự; In và phát hành 300 quyển hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do HĐND-UBND tỉnh ban hành năm 2005;  Tiếp nhận, kiểm tra 228 văn bản cấp huyện (72 Nghị quyết HĐND, 126 Quyết định, 03 Chỉ thị của UBND). Nhìn chung, qua kiểm tra cho thấy hầu hết văn bản cấp huyện  ban hành đúng thẩm quyền, nội dung phù hợp với quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số văn bản trình bày chưa đúng kỹ thuật, thể thức theo Thông tư 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ( có văn bản hình thức là Kế hoạch công tác nhưng nội dung lại chứa đựng QPPL ). Sở Tư pháp kịp thời có văn bản góp ý các ngành, địa phương điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật luôn được Sở Tư pháp quan tâm, trú trọng, từ việc kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp đến việc phối hợp với các ngành, địa phương trong thực hiện, tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật, kết hợp sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, đa dạng đã chuyển tải kịp thời các văn bản pháp luật mới đến với cán bộ công chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.

Trong năm 2006 Sở tư pháp đã phối hợp với các Sở, Ban , ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức 80 cuộc tuyên truyền miệng các văn bản pháp luật mới cho hơn 7.800 lượt cán bộ, công chức; Ở cấp huyện đã tổ chức được 3.289 cuộc tuyên truyền miệng cho 133.881  lượt người; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở được 9.488 giờ phát các chuyên mục pháp  luật ; Biên soạn 25 loại đề cương tuyên truyền để in sách , thu băng cassette, đóng tập tài liệu; in 23.130 tài liệu các loại gồm Văn bản Luật, Pháp lệnh, Nghị định, đề cương tuyên truyền phục vụ tập huấn Báo cáo viên pháp luật và cung cấp cho các Tủ sách pháp luật ở cơ sở, phục vụ cuộc thi tìm hiểu Luật Bảo vệ môi trường; thu sang và chuyển giao cấp xã 1.190 băng cassette phục vụ cho việc phát chuyên mục pháp luật ở Đài truyền thanh xã; xuất bản 2.000  Bản tin Tư pháp; Tổ chức 04 lớp tập huấn Báo cáo viên pháp luật, 01 lớp bồi dưỡng kỹ năng Báo cáo viên pháp luật; 07 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc, 01 lớp tập huấn các văn bản pháp luật về phòng, chống ma tuý; hỗ trợ các huyện , thị, thành phố tổ chức 20 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hoà giải. 

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án trong phạm vi tỉnh, Sở Tư pháp đã đề xuất UBND tỉnh Quyết định thành lập lại Ban chỉ đạo THA cấp tỉnh, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thành viên trong Ban chỉ đạo, các ngành, địa phương trong tỉnh duy trì hoạt động, tổ chức chỉ đạo và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án, do đó đã tiếp tục tranh thủ được sự quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh. Kết quả trong năm 2006 đã giải quyết 8.226 việc, đạt tỷ lệ 96%;  thu 35.714.300 đồng, đạt 54% so với số có điều kiện.

Trụ sở làm việc và các phương tiện, trang thiết bị của các cơ quan thi hành án được Bộ Tư pháp và Chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của ngành. Trong năm 2006 đã thực hiện xây dựng xong công trình trụ sở cơ quan thi hành án tỉnh và trụ sở cơ quan thi hành án huyện Chợ Mới và đang thi công trụ sở cơ quan thi hành án huyện Tri Tôn. Như vậy, đến nay tất cả 11 cơ quan thi hành án cấp huyện đều đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.

Tiếp tục thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “ một cửa’’ tại Văn phòng Sở, trong năm 2006 Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND tỉnh, Phòng quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Hồ sơ, Phòng quản lý TTATXH Công an tỉnh tiếp nhận và giải quyết 6.874 trường hợp về hộ tịch. Kết quả đã giải quyết 3.120 trường hợp đúng thời hạn theo quy trình, 3.305 trường hợp sớm hơn so với thời gian quy định, trễ hạn 256 trường hợp. Phòng Tư pháp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã thực hiện: 33.578 trường hợp đăng ký khai sinh; 8.519 trường hợp đăng ký khai tử;  14.079 trường hợp đăng ký kết hôn  và   38.210 việc khác về hộ tịch.

            Nhìn chung, việc thực hiện cơ chế “một cửa” tại Văn phòng Sở tiếp tục có kết quả, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân khi có yêu cầu giải quyết công việc, đã bãi bỏ một số thủ tục, giấy tờ không cần thiết, giảm bớt thời gian chờ đợi của công dân (việc trích lục các loại giấy tờ hộ tịch đã rút ngắn thời gian xuống còn 02 ngày so với trước đây là 07 ngày; các trường hợp xin cấp giấy tờ hộ tịch rút ngắn thời gian so với trước hơn 07 ngày). Tuy nhiên, quá trình thực hiện ở một số khâu như trình ký ở VP UBND tỉnh; tra cứu, xác minh của ngành Công an vẫn còn chậm trễ so với quy trình, cụ thể là trong năm có 256 hồ sơ bị chậm chủ yếu ở các khâu này.

            Hoạt động Công chứng tiếp tục được tăng cường cải tiến thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ, trong năm 2006 các Phòng Công chứng đã thực hiện được 99.370 việc công chứng với 398.524 văn bản, thu lệ phí 1.486.472.000 đồng.

            Hoạt động bán đấu giá tài sản trong năm tiếp tục phát triển, có hiệu quả cao : Trong năm, Trung Tâm đã  tổ  chức 32 phiên bán đấu giá các loại hàng hoá, tài sản thuộc diện tịch thu sung quỹ, tài sản thanh lý và tài sản do các cơ quan , đơn vị uỷ quyền bán đấu giá với tổng giá trị  62.567.129.820 đồng  ( tăng 1,8% so với giá khởi điểm và tăng 26% so với năm 2005).

Trung tâm TGPLNN tỉnh thực hiện 2.943 trường hợp trợ giúp pháp lý cho   1.184   thuộc diện hộ nghèo, 144 đối tượng chính sách , 791  người dân tộc, còn lại là các  đối tượng khác .

Các tổ chức giám định tư pháp đã thực hiện 1.108 vụ việc, trong đó Tổ chức giám định pháp y – pháp y tâm thần 557 việc; Giám định kỹ thuật- hình sự 549 yêu cẩu ; Giám định xây dựng 02 vụ .

Luật sư- tư vấn pháp luật : Đến nay trong tỉnh có 40 Luật sư ( 31 chính thức, 09 tập sự) hoạt động ở 14 Văn phòng luật sư. so với cùng kỳ tăng 02 luật sư và 03 văn phòng luật sư. Trong năm các văn phòng luật sư đã thực hiện 1.377 vụ việc; trong đó tham gia tố tụng 940 vụ ( hình sự 559,dân sự 369,hành chính 10, kinh tế 02 vụ) ; hoạt động tư vấn pháp luật 437 vụ. 

`           Sở đã xây dựng kế hoạch kiện toàn , phát triển tổ chức pháp chế trong tỉnh, Kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế, tư vấn pháp luật. Đến nay có 36 Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh có tổ chức hoặc phân công cán bộ làm công tác pháp chế với 45 cán bộ; cán bộ pháp chế các Sở, ngành phần lớn kiêm nhiệm làm Báo cáo viên pháp luật.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh v/v triển khai thi hành Pháp lệnh về Giám định tư pháp và Nghị định số 67/NĐ-CP ngày 19/05/2005 của Chính phủ, Sở Tư pháp đã trình UBND tỉnh quyết định giải thể 04 tổ chức giám định (Giám định Khoa học kỷ thuật; Văn học nghệ thuật- VHPNT; Tài chính- kế toán; Pháp y – pháp y tâm thần); Thành  lập Phòng Giám định pháp y với 13 Giám định viên  và Phòng giám định Pháp y tâm thần với 03 Giám định viên. Bộ Tư pháp đã công nhận cấp 16 Thẻ giám định viên tư pháp cho các Giám định viên thuộc 02 Phòng giám định nói trên; Đề nghị Bộ Tư pháp cấp 12 Thẻ Giám định viên cho các Giám định viên thuộc các lĩnh vực Giám định kỷ thuật- hình sự; Giám định văn hoá nghệ thuật; Giám định xây dựng .

Thực hiện Nghị quyết 42- NQ/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Sở đã tiến hành  quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành đến năm 2015; cử 25 lượt cán bộ, công chức dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, Chấp hành viên, Công chứng viên , trong đó có 01 chuyên viên cao cấp, 01 Cao học luật … Kết hợp với  Sở Nội vụ và Trường Chính trị tỉnh mở một lớp Trung học luật đào tạo hơn 100 cán bộ tăng cường cho tư pháp cở sở; mở một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 165 cán bộ tư pháp- hộ tịch cơ sở .

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chương trình cải cách tư pháp của Sở Tư pháp An Giang trong năm 2006 đã bám sát mục tiêu và các nội dung chương trình hành động, triển khai thực hiện kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm của ngành theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và nhiệm vụ kinh tế -xã hội của tỉnh.

Đạt được kết quả trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư pháp, Tỉnh Uỷ và UBND tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện với nội dung và lộ trình triển khai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nội dung công tác trọng tâm trong hoạt động cải cách tư pháp của ngành.

Trần Hải Quân