Tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở Hòa Bình

01/03/2007
Ðêm ở vùng cao, cái lạnh đến sớm hơn, nhưng hàng trăm người dân xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình vẫn tập trung khá đông để dự đêm giao lưu văn nghệ lồng ghép truyền thông kiến thức dân số. Trong những tiểu phẩm ngắn, người xem được truyền tải những thông điệp pháp luật, rằng "dù gái hay trai, chỉ hai là đủ".
Hình thức lồng ghép tuyên truyền pháp luật qua văn nghệ đã quen thuộc từ lâu đối với người dân ở tỉnh miền núi Hòa Bình. Dù bây giờ, điện đã sáng khắp bản làng, truyền hình đã len lỏi đến những nếp nhà sàn ở tận vùng sâu, vùng cao; nhưng thói quen sinh hoạt văn hóa mang tính cộng động của người dân vẫn còn nguyên vẹn.

Người ta có thể đi bộ mấy km đường mòn để tham dự một đêm giao lưu văn nghệ có lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống ma túy, phòng, chống tội phạm, bởi những quy định của pháp luật đã được "mềm hóa" qua những tình huống kịch.

Ðêm giao lưu văn nghệ của cụm xã tại huyện Lương Sơn, hình ảnh người chồng thường xuyên rượu chè bê tha, bạo hành với vợ con, ngang ngược với xóm làng được đưa lên sân khấu (kèm theo lời cảnh báo về các hình phạt) khiến nhiều đàn ông phải giật mình. Sau đêm văn nghệ ấy, ông chồng (nguyên mẫu của tiểu phẩm) đã sống nghiêm túc hơn, có trách nhiệm với vợ con hơn; tình trạng say rượu, quát nạt vợ con, gây mất trật tự công cộng ở nhiều xóm đã giảm hẳn.

Xác định "Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng", thực hiện Chỉ thị 32-CT/T.Ư của Ban Bí thư T.Ư Ðảng và Chỉ thị số 35-CT/T.U của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình "về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác PBGDPL", UBND các cấp đã kiện toàn Hội nghị phối hợp công tác PBGDPL, xây dựng chương trình và huy động sự phối hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác này tại địa phương.

Việc tuyên truyền PBGDPL với hình thức đa dạng, phong phú, đã hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân, góp phần giữ ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh; thúc đẩy kinh tế phát triển và giảm số trường hợp vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Việc PBGDPL thông qua công tác tiếp dân, đối thoại với dân khi giải quyết khiếu nại - tố cáo cũng nâng hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, giữ niềm tin của dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự nghiêm minh của pháp luật...

Trong công tác tuyên truyền pháp luật ở Hòa Bình, Sở Tư pháp (cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh) giữ vai trò chủ đạo. Thông qua việc ký kết chương trình phối hợp PBGDPL giữa Hội đồng với các sở, ngành; sự phối hợp của chính quyền các cấp, đã góp phần quan trọng tổ chức thành công 7.781 hội nghị, hội thi để tuyên truyền 25 luật và nhiều văn bản dưới luật cho hơn 1,7 triệu lượt người.

Việc ký kết Chương trình phối hợp trợ giúp pháp lý giữa Sở Tư pháp với các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo và đối tượng chính sách trong tố tụng. Sở Tư pháp cũng xuất bản và phát hành 22 số Bản tin Tư pháp với số lượng 13.000 cuốn (trong đó có các số chuyên đề: Bộ luật Dân sự năm 2005; Dân số, gia đình và trẻ em; Phòng, chống tội phạm ma túy) phát hành đến UBND cấp xã, làm tài liệu tuyên truyền pháp luật cho cán bộ và nhân dân; Tổ chức 171 đợt Trợ giúp pháp lý lưu động và tuyên truyền pháp luật cho 17.000 lượt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách; Củng cố, phát triển hoạt động của 1.968 tổ hòa giải cơ sở với 8.709 thành viên, hòa giải thành công hơn 80% số vụ việc mâu thuẫn nhỏ phát sinh tại cơ sở.

Ðặc biệt, thực hiện kết luận số 337 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh - quốc phòng ở hai xã người Mông Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu), Sở Tư pháp đã phối hợp các cơ quan hữu quan xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền Luật Hôn nhân - Gia đình, Luật Phòng, chống ma túy, biên soạn sang tiếng Mông, thu băng cát-sét làm tài liệu tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, giúp bà con hiểu pháp luật, hạn chế vi phạm...

Mạng lưới 10 thư viện từ cấp huyện đến tỉnh; 214 tủ sách pháp luật cơ sở; 195 điểm bưu điện - văn hóa xã cùng hàng trăm thư viện trong nhà trường, tủ sách pháp luật của cơ quan, đơn vị đã cung cấp sách báo pháp luật phục vụ hàng triệu lượt bạn đọc. Các ngành, đoàn thể, UBND các cấp đã tổ chức 612 đêm giao lưu văn hóa - văn nghệ lồng ghép tuyên truyền pháp luật, phát hơn 28.000 tờ rơi về phòng, chống ma túy, mại dâm; 34.450 ấn phẩm tuyên truyền pháp luật các loại và 50.000 cuốn "Pháp luật an toàn giao thông cho mọi nhà" đến các hộ gia đình, hội viên...

Riêng Hội Phụ nữ đã thành lập thêm 34 Câu lạc bộ Pháp luật và đời sống, trang bị 34 tủ sách và tài liệu sinh hoạt cho các câu lạc bộ; tập huấn Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho 214 cán bộ làm công tác tuyên truyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Các cấp bộ đoàn tổ chức 515 buổi tuyên truyền cho hơn 13.000 đoàn viên thanh niên về Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy; duy trì, củng cố hoạt động của 138 Câu lạc bộ Tuổi trẻ với pháp luật. Nhờ đó, pháp luật đã dần thấm sâu vào đời sống cộng đồng, hạn chế và đẩy lùi những sai phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Tỉnh Hòa Bình đang yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL; gắn PBGDPL với tuyên truyền đường lối, chính sách của Ðảng, giáo dục đạo đức, văn hóa cho cán bộ, nhân dân; xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật và tội phạm để giữ vững an ninh - trật tự trên địa bàn.

MAI HUỆ
(Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình)
(Theo Nhân dân)