Tư pháp Lai Châu: Một năm “về đích sớm”

05/02/2013
Là tỉnh miền núi, biên giới tây bắc của tổ quốc, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp… cùng với đội ngũ cán bộ còn rất mỏng, nhưng những trở ngại đó càng làm cho tư pháp Lai Châu quyết tâm “vượt khó” để về đích sớm trên nhiều mặt công tác.

Gần 1200 buổi sinh hoạt “ngày pháp luật”

Trình độ dân trí nhiều nơi còn thấp, sự hiểu biết pháp luật của bà con vùng cao còn rất hạn chế, do đó ngành Tư pháp Lai Châu xác định phổ biến pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Năm 2012, Sở Tư pháp thường xuyên chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PBGDPL, qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia, phát huy tốt các cơ chế phối hợp trong công tác này. Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh được củng cố kiện toàn với 24 thành viên, 7 ngành cấp tỉnh thành lập Hội đồng PBGDPL, 7/7 huyện, thị xã và các xã phường, thị trấn được thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL.

Kiện toàn các Hội đồng, tư pháp Lai châu cũng luôn chủ động tìm tòi các hình thức PBPL đến cán bộ và nhân dân sao cho dễ “ngấm” nhất. Trong đó, theo Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Quang Tản, trên cơ sở kế hoạch triển khai “Ngày pháp luật” cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân của UBND tỉnh, năm 2012, toàn tỉnh tiến hành 1.152 buổi sinh hoạt “Ngày pháp luật” thu hút trên 1.500 lượt người tham gia. Đặc biệt, các bản tin tư pháp đã được biên tập, phát hành thường xuyên 06 số/năm với số lượng 1.800 cuốn; phát hành 300 cuốn sách hỏi - đáp pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống bà con vùng cao, khu vực biên giới như Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền, Nghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc… đến các cơ quan, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, bưu điện văn hóa xã, các đồn biên phòng, các báo cáo viên pháp luật.

Bên cạnh đó, ngành Tư pháp Lai Châu cũng ưu tiên sử dụng các hình thức trợ giúp pháp lý lưu động, đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền pháp luật qua tủ sách pháp luật... để người dân dễ tiếp cận pháp luật hơn. Ngoài ra, cũng theo Giám đốc Tản, Ngành cũng tập trung tuyên truyền, phổ biến những văn bản pháp luật liên quan đến những lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm của đời sống xã hội được dư luận xã hội quan tâm... qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

“Chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ cấp xã

Một trong những khó khăn lớn nhất của Lai Châu trong công tác tư pháp đó chính là đội ngũ cán bộ còn rất mỏng, đặc biệt một số xã vùng sâu, vùng xa công chức tư pháp - hộ tịch còn chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn. Làm sao “lấp đầy” khoảng trống về số lượng và năng lực cán bộ là điều mà lãnh đạo ngành Tư pháp tỉnh này luôn trăn trở. Bằng nhiều giải pháp, đến nay, các Phòng Tư pháp đều có trưởng phòng với trung bình 4 biên chế/phòng; đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã gồm 137 công chức/103 xã, phường, thị trấn (34 xã, phường, thị trấn có 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch), 96 công chức tư pháp - hộ tịch có trình độ trung cấp luật trở lên. Việc đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ tư pháp từ tỉnh đến xã cũng được ngành quan tâm sâu sát.

Tuy nhiên, về lâu dài, Giám đốc Tản đề nghị “ Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ thống nhất phương án phân bổ biên chế, phân bổ bao nhiêu phải có con số cụ thể để bảo đảm điều kiện cho địa phương thực hiện”. Ngành cũng cần có chế độ đãi ngộ hơn để thu hút nhân lực cho ngành Tư pháp, đặc biệt đối với những tỉnh còn nhiều khó khăn như Lai Châu.

Thu Hằng

Năm 2012, Sở Tư pháp Lai Châu đã thực hiện tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến vào dự  thảo văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo 100% văn bản QPPL UBND trước khi ban hành đều bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến, thống nhất và khả thi của văn bản khi được ban hành.