Cà Mau: Ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh

04/02/2013
Ngày 31/01/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký Quyết định số 192/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước (QLNN) về đăng ký giao dịch bảo đảm (GDBĐ) trên địa bàn tỉnh. Theo đó:

Mục đích của quy chế là nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đăng ký GDBĐ trên địa bàn tỉnh. Các nội dụng phối hợp là: Tiến hành rà soát quy định của pháp luật về GDBĐ; Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về GDBĐ, tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ làm công tác GDBĐ; Phối hợp trong việc kiểm tra hoạt động đăng ký GDBĐ; Rà soát, thống kê, báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động đăng ký GDBĐ của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ); Bố trí nhân lực, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động QLNN về đăng ký GDBĐ và chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng, Văn phòng đăng ký QSDĐ, các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về đăng ký GDBĐ. Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì; Sở Tài chính, Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố và Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh là cơ quan phối hợp.

Trách nhiệm, quyền hạn của Sở Tư pháp là: Tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng QLNN về đăng ký GDBĐ đối với QSDĐ, tài sản gắn liền với đất theo đúng quy định tại Khoản 5 Điều 46 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện các công việc được quy định tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất. Trách nhiệm, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường : Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Văn phòng đăng ký QSDĐ trực thuộc; Phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác QLNN về đăng ký GDBĐ đối với QSDĐ và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. Trách nhiệm, quyền hạn của UBND các huyện, thành phố là tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, chỉ đạo cải cách TTHC của Văn phòng đăng ký QSDĐ các huyện, thành phố; Phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác QLNN về đăng ký GDBĐ đối với QSDĐ và tài sản gắn liền với đất ở từng địa phương; Chỉ đạo Văn phòng đăng ký QSDĐ cùng cấp thực hiện việc báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về công tác đăng ký thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh đúng quy định. Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức có liên quan: Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt công tác QLNN về đăng ký GDBĐ.

Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Được biết, trong 2 năm 2011, 2012, Sở Tư pháp đã phối hợp tốt với Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch và tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm tất cả các Văn phòng đăng ký QSDĐ trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực QLNN về công tác GDBĐ trên địa bàn tỉnh./.

Thùy Trang