Hòa Bình: Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp thực hiện tốt công tác phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ

05/01/2013
Thực hiện chương trình phối hợp số 14/2002/CTPH-TP-PN giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý (PBPL, TGPL) cho phụ nữ; năm 2003, Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã ký kết chương trình phối hợp, đồng thời chỉ đạo Phòng Tư pháp và Hội Phụ nữ cấp huyện phối hợp thực hiện theo khung chương trình phối hợp đã ký ở cấp tỉnh.

Để thực hiện tốt chương trình phối hợp này, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh Quyết định thành lập 11 Chi nhánh TGPL cấp huyện và đưa các Chi nhánh này đi vào hoạt động; đồng thời chỉ đạo Trung tâm TGPL tỉnh phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã xây dựng được 118 Câu lạc bộ TGPL ở cấp xã, đảm bảo lực lượng thực hiện chương trình phối hợp PBPL, TGPL cho người dân nói chung và cho phụ nữ nói riêng.

Trong 10 năm thực hiện Chương trình này (2003-2012) ngành Tư pháp và các cấp Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã phối hợp mở 1.325 lớp tập huấn kiến thức, nghiệp vụ PBPL, TGPL cho 67.900 lượt cán bộ, hội viên hội phụ nữ các cấp. Lồng ghép hoạt động PBPL, TGPL với các chương trình hoạt động của phụ nữ như: Dân số, sức khỏe sinh sản; xóa đói giảm nghèo; phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; Tuyên truyền pháp luật qua chuyên mục Phụ nữ và phát triển trên báo Hòa Bình; Đài Phát thanh - truyền hình Hòa Bình. Biên soạn, phát hành miễn phí trên 90.000 tờ gấp pháp luật và các tài liệu PBPL về hình sự; dân sự, an toàn giao thông; hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; phòng, chống ma túy (trong đó có 250 đĩa CD tuyên truyền bằng tiếng dân tộc Mường, tiếng H'Mông cho đồng bào vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn). Tổ chức các cuộc thi "Chủ tịch Hội phụ nữ giỏi"; "Cán bộ Hội cơ sở giỏi", "Hòa giải viên giỏi", "Hộ tịch viên giỏi"; thi tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm với sự tham gia của đông đảo người dân và hội viên phụ nữ. Bên cạnh đó, đã tổ chức được gần 5.000 cuộc PBPL, TGPL cho trên 265.000 lượt hội viên phụ nữ. Tư vấn, giải đáp cho chị em nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em (nhất là các lĩnh vực về hôn nhân và gia đình, dân sự, hình sự, bạo lực gia đình, đất đai). Trung tâm TGPL tỉnh còn mời luật sư, cử trợ giúp viên đại diện, bào chữa cho phụ nữ (diện đối tượng chính sách) trước cơ quan tiến hành tố tụng, trong các vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh cũng xây dựng và duy trì hoạt động của 254 Câu lạc bộ (CLB), gồm: 110 CLB phụ nữ với pháp luật; 57 CLB không sinh con thứ 3; 53 CLB gia đình hạnh phúc và các CLB khác về phòng, chống bạo lực gia đình; hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; gia đình trẻ. Qua sinh hoạt, các CLB đã tuyên truyền pháp luật, giải đáp những khó khăn vướng mắc của mỗi hội viên từ đó nâng cao hiểu biết pháp luật cho chị em ở cơ sở.

Từ hoạt động PBPL, TGPL, nhiều phụ nữ ở các xóm, tổ dân phố, khu dân cư đã nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật, tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở (hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.019 tổ hòa giải và 11.192 hòa giải viên, trong đó phụ nữ chiếm 27%), góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong dân cư, giữ đoàn kết và trật tự xã hội trong cộng đồng. Với các hoạt động này, đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở và đông đảo hội viên phụ nữ đã được nâng cao nhận thức, tiếp cận pháp luật, hiểu pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình hoặc nhờ các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi của mình theo luật định. Vì thế, vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được nâng cao. Ngày càng có nhiều chị em phụ nữ làm chủ gia đình, làm kinh tế giỏi; tỷ lệ phụ nữ được bầu vào cấp ủy đảng, bầu làm Đại biểu HĐND và giữ các chức vụ ở cơ sở ngày càng tăng. Tình trạng bạo lực gia đình, trọng nam khinh nữ đã giảm hẳn so với trước đây.

Phát huy những kết quả này, trong thời gian tiếp theo, Ngành Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục phối hợp chỉ đạo các cơ sở Hội duy trì các CLB đã có, đổi mới hình thức hoạt động để thu hút nhiều hơn tỷ lệ hội viên phụ nữ tham gia, chủ động đề xuất, kiến nghị những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến quyền và lợi ích của bản thân và gia đình để nhận được sự giúp đỡ kịp thời. Qua đó, góp phần thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, tạo đà cho phụ nữ phát triển toàn diện./.

Minh Ngọc