Tư pháp địa phương “về đích sớm”

02/01/2013
Năm 2012 qua đi, Ngành Tư pháp tiếp tục để lại nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong những thành công đó, không thể không nói đến những đóng góp của Tư pháp địa phương. Chính từ đây mọi nỗ lực, sáng tạo được phát huy một cách tối đa với phương châm tiếp tục hướng về cơ sở, thi đua để “về đích sớm”.

Xuất hiện nhiều “điểm sáng”

Năm 2012 là năm tiếp tục khó khăn của nền kinh tế. Vì thế, cũng tác động không nhỏ đến ngành Tư pháp địa phương. Biên chế chính quyền phân bổ cho tư pháp dè dặt hơn, nguồn kinh phí cho các hoạt động nhiều nơi cũng bị bó hẹp lại do điều kiện thu ngân sách có hạn… Trong khó khăn đó, ngành Tư pháp vẫn phải tự mình vượt lên, không những hoàn thành tốt những nhiệm vụ cấp trên giao phó mà ngày càng phải khẳng định vị thế của mình như người ta vẫn nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đặc biệt sự hiểu biết pháp luật không chỉ của người dân mà cả một bộ phận cán bộ chính quyền cơ sở cũng còn nhiều hạn chế, ngành Tư pháp Bắc Kạn mạnh dạn tham mưu cho UBND tỉnh lần đầu tiên tổ chức Hội thi “cán bộ chính quyền cơ sở với pháp luật”. 106/122 xã, phường, thị trấn với hàng trăm cán bộ đại diện cho trên 2200 công chức cấp xã đã tham gia hội thi. Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Kạn Hoàng Đình Toàn vui vẻ cho biết “cán bộ cơ sở là những người hàng ngày tiếp xúc với nhân dân, phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Vì thế, việc áp dụng các quy định của pháp luật vào trong cuộc sống phải nhuần nhuyễn, chính xác. Hội thi không những nâng cao năng lực quản lý, kiến thức pháp luật mà còn là cơ hội cho nhân dân hiểu thêm về cán bộ của mình, về các quy định của pháp luật liên quan đến bộ máy chính quyền cơ sở”. Cùng với nhiều hình thức phổ biến pháp luật khác, năm 2012 được coi là năm tư pháp Bắc Kạn có nhiều thành công trong lĩnh vực này.

Còn đối với Yên Bái, một địa phương có thế mạnh từ nhiều năm nay trong công tác bán đấu giá tài sản. Kinh tế suy thoái và càng khó khăn thì các hoạt động bán đấu giá tài sản càng được đẩy mạnh. Các cán bộ Trung tâm bán đấu giá đã chủ động tìm kiếm nguồn hàng, năng động trong bán đấu giá quyền sử dụng đất. Giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái Trần Quang Vinh phấn khởi “năm rồi đấu giá thu cho ngân sách trên 200 tỷ đồng. Những ngày cận Tết nguyên đán này, đấu giá vẫn liên tục mở các phiên đấu giá để “tận thu””. Ông Vinh cũng cho biết, hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn có được những thành công do cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm. Lĩnh vực này, tương tự tại Hải Dương, một “cánh chim đầu đàn” trong ngành đấu giá năm qua cũng thu hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương.

Nói đến ngành Tư pháp không thể không nói đến Tư pháp các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Để “chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ cơ sở, Hà Nội đã mở hai đợt tập huấn chuyên sâu cho tất cả các cán bộ tư pháp cấp xã, phường. Đây là đợt tập huấn dài ngày, lớn nhất từ sau khi Hà Nội hợp nhất. Giám đốc Sở Tư pháp Phan Hồng Sơn cho biết “muốn phục vụ dân tốt trước hết cán bộ tư pháp phải vừa hồng vừa chuyên”. Tương tự, Tp. Hồ Chí Minh cũng thực hiện xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp, đặc biệt trong lĩnh vực công chứng. TP đã bước đầu xây dựng dữ liệu hồ sơ tư pháp bằng giấy và điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào lưu trữ, tra cứu hồ sơ, sử dụng mạng di động đặt hẹn, tiến tới sử dụng dấu vân tay…đây là điểm sáng của toàn quốc trong lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Tư pháp cơ sở là những công việc hàng ngày liên quan mật thiết đến người dân, dó đó việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc liên quan đến dân là việc được ngành Tư pháp địa phương rất coi trọng. Xuất phát từ thực tế gần đây các yêu cầu xin cấp phiếu lý lịch tư pháp và hộ tịch tăng cao. Ngành Tư pháp Khánh Hòa đã triển khai Đề án cung cấp kết quả phiếu lý lịch tư pháp và hồ sơ hộ tịch qua tin nhắn SMS. Việc làm này góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân, tổ chức. Ngành Tư pháp Đà Nẵng cũng đã thực hiện Cuộc vận động “3 hơn” (nhanh hơn, hợp lý hơn, thận thiện hơn) bằng việc tiếp tục cắt giảm 30% thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của ngành. Tỉnh Cà Mau cũng đã công khai kết quả giải quyết hồ sơ  vào cuối ngày làm việc trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, tạo điều kiện cho người dân sớm biết kết quả để đến nhận. Tương tự, Tư pháp Khánh Hòa, Lai Châu, Thái Bình…và nhiều tỉnh khác đã triển khai kế hoạch đăng ký nuôi con nuôi thực tế, tạo điều kiện cho những người nuôi con nuôi thực tế được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nhiệm vụ mới đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn

Đó là những công việc thiết thực liên quan đến người dân, còn những công việc ở tầm vĩ mô hơn như giúp chính quyền địa phương trong tổng kết thi hành và tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, “gác cổng” về mặt pháp lý cho các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ quản lý ngành tại địa phương... trong năm 2012 Tư pháp địa phương cũng đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn của ngành Tư pháp hiện nay theo phản ánh của nhiều địa phương đó chính là tình trạng thiếu cán bộ từ tỉnh đến xã. Mặc dù thời gian qua, đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở đã từng bước được kiện toàn, tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Tư pháp đội ngũ công chức Tư pháp còn mỏng về số lượng và trình độ chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao, đặc biệt là việc bổ sung cán bộ cho việc thực hiện các nhiệm vụ mới được giao chưa kịp thời; công chức Tư pháp địa phương, đặc biệt là công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chưa được chuẩn hoá một cách đầy đủ. Một số cấp xã tuy được giao 2 biên chế thực hiện nhiệm vụ Tư pháp - Hộ tịch nhưng phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác về quân sự, kiểm tra của Đảng; công chức pháp chế ở địa phương còn chưa kịp thời được bổ sung theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP….

Cùng khó khăn về nhân sự là vấn đề về kinh phí. Có rất nhiều hoạt động muốn triển khai và triển khai một cách sâu rộng như phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải, văn bản, hộ tịch... đều cần có nguồn kinh phí. Tuy nhiên, trong khó khăn chung của nền kinh tế, khi thu ngân sách địa phương có hạn, nhiều địa phương thu không đủ chi cần sự hỗ trợ của Trung ương thì việc chi cho tư pháp eo hẹp là điều không tránh khỏi. Để khắc phục, ngành Tư pháp cần phát huy thế mạnh của từng cán bộ, chi tiêu hợp lý. Và hơn hết là cần khẳng định vị trí vai trò của mình thì chính quyền ắt có sự quan tâm lại như người ta vẫn nói ”hữu xạ tự nhiên hương”.

Năm 2012, tại các kỳ họp thứ ba, thứ tư Quốc hội khóa XIII đã thông qua nhiều dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến ngành Tư pháp, đó là Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật sửa đổi Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp, Pháp lệnh Pháp điển hoá hệ thống quy phạm pháp luật và Pháp lệnh Hợp nhất VBQPPL…Việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các dự án luật, pháp lệnh với nhiều nội dung mới đòi hỏi ngành Tư pháp phải “toàn tâm toàn lực” hơn nữa để triển khai các công việc này.

Bên cạnh đó, để phục vụ cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ sắp tới đây trong đó có việc sửa đổi bổ sung nhiều dự án luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, xây dựng mới Luật Hộ tịch, Luật Chứng thực…thì tư pháp địa phương phải là đầu mối, tham mưu cho chính quyền trong việc sơ kết, tổng kết, đánh giá và đề xuất những nội dung sửa đổi. Bởi hơn ai hết là người gần dân, hàng ngày tiếp xúc với dân tư pháp địa phương sẽ hiểu người dân cần gì.

Một năm mới nữa lại đến, đối với những người làm công tác tư pháp có lẽ không gì vui hơn khi nhìn lại năm cũ thấy mình đã góp một phần vào những thành công chung của toàn ngành. Và vui hơn nếu họ biết phát huy thế mạnh, khắc phục những khó khăn để tạo đà cho một năm mới với bước tiến xa hơn.

Thu Hằng