Ngành Tư pháp Nghệ An nỗ lực về đích sớm

05/01/2013
Năm 2012, vượt qua mọi khó khăn, tập thể Lãnh đạo và cán bộ công chức ngành Tư pháp Nghệ An đã nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt những nhiệm vụ theo chương trình công tác tư pháp của Bộ Tư pháp và của UBND tỉnh. Với nhiều giải pháp đồng bộ triển khai các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, công tác Tư pháp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương. Vì vậy, ngành Tư pháp Nghệ An đã “về đích sớm” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp góp phần vào thành tích chung để báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác Tư pháp năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ Tư pháp tổ chức vào ngày 08/1/2013 sắp tới.

Một năm nhìn lại, công tác Tư pháp của tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật trên mặt công tác sau:

Công tác xây dựng thẩm định văn bản được chú trọng và thực hiện nghiêm túc. Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh làm tốt vai trò cơ quan tham mưu trong việc ban hành chương trình xây dựng văn bản QPPL. So với năm 2011, chương trình xây dựng văn bản QPPL của tỉnh năm 2012 được ban hành sớm hơn và được điều chỉnh kịp thời. Ở cấp huyện, hầu hết các địa phương đã xây dựng Chương trình ban hành văn bản QPPL, tạo sự chủ động hơn trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Tư pháp các cấp cũng đã làm tốt trách nhiệm của cơ quan thẩm định, góp ý dự thảo văn bản. Sở Tư pháp đã góp ý 204 lượt văn bản theo yêu cầu của Trung ương và địa phương, thẩm định 179 lượt văn bản QPPL; Phòng Tư pháp thẩm định 572 lượt văn bản. So với cùng kỳ năm trước, số dự thảo văn bản QPPL của Trung ương và của tỉnh được góp ý tăng 48 văn bản; số dự thảo văn bản QPPL thẩm định tăng 20 văn bản. Chất lượng góp ý, thẩm định được nâng cao, hầu hết các ý kiến thẩm định đều được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, góp phần hạn chế những sai sót về nội dung, hình thức văn bản.

Năm 2012, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Nghệ An đã tiến hành tổng kết tình hình thi hành Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn bài bản, kịp thời, có chất lượng và báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 theo yêu cầu Bộ Tư pháp, Chính phủ.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng văn bản QPPL ở cơ sở, sau khi tổng kết Đề án giai đoạn 2010-2012, UBND tỉnh tiếp tục đã ban hành Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng văn bản QPPL cấp xã giai đoạn 2012-2015 và đang tích cực tổ chức thực hiện. Tiến hành tổng kết 7 năm thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, qua đó thấy rằng các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành trong thời gian qua và trong năm 2012 bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và tính thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản QPPL do cùng cơ quan ban hành văn bản QPPL ban hành.

Công tác rà soát văn bản QPPL được xác định là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm phát hiện văn bản có nội dung trái pháp luật, mâu thẫu, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương để sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, công dân trong thực hiện, áp dụng pháp luật trên địa bàn tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về xử lý kết quả rà soát các Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành còn hiệu lực đến ngày 31/12/2012. Công tác tư vấn pháp luật đã phát huy được vai trò là cơ quan tham mưu về pháp luật, tư vấn một cách kịp thời, đúng pháp luật, hợp lý hợp tình, nhờ đó giúp UBND tỉnh và các ban ngành ở địa phương áp dụng pháp luật một cách chính xác.

Về công tác kiểm tra, theo dõi thi hành văn bản QPPL, Sở đã tổ chức kiểm tra trực tiếp tại 10 đơn vị cấp huyện với 455 văn bản QPPL và 66.935 văn bản hành chính thông thường, phát hiện 18 văn bản sử dụng căn cứ pháp lý để ban hành không đúng quy định, 59 văn bản ban hành không đúng hình thức quy định, trái thẩm quyền về nội dung và 323 văn bản sai sót khác); Tiến hành tự kiểm tra 67 văn bản do UBND tỉnh ban hành và kiểm tra 199 văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện gửi đến phát hiện 05 văn bản có nội dung trái pháp luật và 50 văn bản sai sót về thể thức; Kiểm tra liên ngành về văn bản QPPL trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Nội vụ, tài nguyên và môi trường, lao động, thương binh và xã hội tại 03 huyện.

Để phục vụ hiệu quả công tác kiểm tra văn bản QPPL, Nghệ An đã ban hành Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND, Quyết định số 1602/QĐ-UBND ban hành Quy chế tổ chức, quản lý và sử dụng cộng tác viên kiểm tra văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố, thị xã cũng chú trọng thực hiện kiểm tra công tác ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND trên địa bàn. Đa số các huyện đều đã ban hành Kế hoạch kiểm tra và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Qua đó, đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung và hình thức; góp phần đưa hoạt động ban hành văn bản ở địa phương đi vào nề nếp, hạn chế tình trạng ban hành văn bản QPPL trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

Công tác theo dõi thi hành pháp luật tổ chức thực hiện được nhiều nội dung phong phú, thiết thực như: thành lập Đoàn liên ngành và tiến hành khảo sát, điều tra tại 03 huyện; báo cáo kịp thời, có chất lượng tình hình thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bộ Tư pháp; Phối hợp với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khảo sát tình hình thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 về công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An; phối hợp với Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính của Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm về thực tiễn thi hành các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 liên quan đến người chưa thành niên; Tổng kết Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ Luật Hình sự năm 1999.

Công tác PBGDPL đã đi vào nề nếp, có chiều sâu, đối tượng hướng tới được mở rộng tới tận thôn, làng, ấp, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Các chương trình, kế hoạch được ban hành sớm từ đầu năm vì vậy các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện kịp thời, toàn diện và đạt hiệu quả. Các Chương trình, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng như Đề án Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Đề án Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL; Đề án Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2011-2015; Đề án "Tăng cường PBGDPL cho thanh thiếu niên". Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp đã tổ chức 4365 cuộc tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật cho 147026 lượt người. Năm 2012, Nghệ An ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đề ra nhiều biện pháp tăng cường hiệu quả hoạt động tuyên truyền PBGDPL như Quyết định số 489/QĐ-UBND ban hành kế hoạch PBGDPL năm 2012, Quyết định số 3075/QĐ-UBND ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Kết luận 04-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 318/KH-UBND về tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 559/KH-UBND về thực hiện Luật PBGDPL; Kế hoạch số 280/KH-UBND về tổ chức Hội thi “Thanh niên Nghệ An với an toàn giao thông”.

Hình thức tuyên truyền pháp luật ngày càng đa dạng, phong phú như: phát hành các số tập san Pháp luật và Đời sống; tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật mới; tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật” đều đặn có chất lượng và hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh; phát hành các loại tài liệu, sách pháp luật phổ thông, sách hỏi đáp pháp luật, tờ rơi, tờ gấp; sinh hoạt “Câu lạc bộ pháp luật”, “ Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý”; đặc biệt là bằng hình thức sân khấu hóa tổ chức các Hội thi tìm hiểu pháp luật.

Công tác Hòa giải cơ sở và TSPL được quan tâm chú trọng. Năm 2012 toàn tỉnh có 5626 vụ hòa giải trong đó hòa giải thành 4569 vụ đạt tỷ lệ trên 81%; các TSPL luôn được đầu tư kinh phí để bổ sung các đầu sách mới đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Với trách nhiệm là thành viên Tiểu ban tuyên truyền pháp luật giao thông tỉnh, thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ như tuyên truyền văn hóa giao thông với bình yên sông nước; kết hợp với việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền PBGDPL cho thanh thiếu niên” trên địa bàn tỉnh, chương trình hàng động thực hiện năm an toàn giao thông 2012, tổ chức thành công Hội thi “Thanh niên Nghệ An với an toàn giao thông”; Năm 2012, ngành Tư pháp Nghệ An được UBND tỉnh tặng bằng khen vì hoạt động tích cực trong công tác tuyên truyền về trật tự giao thông.

Nhìn chung, năm 2012 công tác PBGDPL ở tỉnh Nghệ An có những chuyển biến thực sự, nhiều khởi sắc mới, phục vụ ngày càng kịp thời và có chất lượng các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục hướng về cơ sở. Năm 2012, đã thụ lý 2149 vụ việc; Tổ chức 21 đợt trợ giúp pháp lý lưu động về tận thôn, xóm, bản của các huyện. Tuyên truyền pháp luật cho trên 5128 lượt người và trợ giúp pháp lý cá biệt gần 752 vụ việc. So với cùng kỳ năm 2011 chất lượng TGPL đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Tư pháp;  

Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã được triển khai toàn diện, đi vào nề nếp; cơ bản được tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo lành mạnh hóa. Thực hiện tốt công tác giao dịch “một cửa”, nhất là ở cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân về thời gian, thủ tục và quy trình giải quyết. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Tỷ lệ đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử chung toàn tỉnh đạt cao. Một số huyện đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đăng ký, quản lý hộ tịch; Ở cấp tỉnh, công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài luôn bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, chưa có sai sót nào xẩy ra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hồ sơ giả mạo, đảm bảo lành mạnh hoá quan hệ hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Đã đăng ký hộ tịch yếu tố nước ngoài 258 trường hợp, trong đó: đăng ký kết hôn 121 trường hợp; ghi chú kết hôn 88 trường hợp; ghi chú ly hôn 13 trường hợp; đăng ký khai sinh 21 trường hợp; ghi chú khai sinh 06 trường hợp; 06 trường hợp nuôi con nuôi, 03 trường hợp nhận cha con.  Cấp phiếu lý lịch tư pháp đã tiếp nhận 7430 hồ sơ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp; đã cấp 7439 Phiếu lý lịch tư pháp; đảm bảo đúng thời gian và tính chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu cho người dân và tổ chức có nhu cầu.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên, tỉnh cũng đã tích cực vươn lên thực hiện nhiệm vụ mới của Ngành về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Sơ kết 3 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo kế hoạch của Bộ Tư pháp; hướng dẫn nghiệp vụ cho các huyện, ngành khi có yêu cầu.

Hoạt động chứng thực tổ chức thực hiện Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ đã dần đi vào nề nếp, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo tinh thần cải cách hành chính đã đề ra.

Công tác Bổ trợ tư pháp đạt nhiều kết quả ghi nhận. Công tác quản lý nhà nước về Luật sư, năm 2012 tỉnh Nghệ An đã thành lập thêm 3 Văn phòng Luật sư đến nay có 02 Công ty luật và 21 Văn phòng luật sư với 57 luật sư, 15 người tập sự hành nghề luật sư. Hoạt động bào chữa và tranh tụng tại phiên tòa, tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực của luật sư thực hiện đúng quy định của pháp luật, từng bước đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra chặt chẽ tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn. Hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án của Chính phủ về phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010-2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực giám định tư pháp đã tập trung cao. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Với đội ngũ 99 giám định viên hiện có, công tác giám định tư pháp của tỉnh ngày càng đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, chất lượng giám định tư pháp từng bước được nâng cao, hiệu quả (trong đó Trung tâm pháp y, Trung tâm giám định pháp y tâm thần tỉnh và Phòng Kĩ thuật hình sự hoạt động đạt kết quả cao).

Về công tác quản lý các tổ chức hành nghề công chứng, hiện nay, Nghệ An có 02 Phòng công chứng và 22 Văn phòng công chứng với tổng số 32 công chứng viên. Nhìn chung, hoạt động công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng phục vụ kịp thời yêu cầu giao dịch công chứng hàng ngày của các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu, chưa phát hiện sai sót lớn. Đã chuyển giao thẩm quyền công chứng tại 04 huyện, thành phố, thị xã. Tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng, triển khai thực hiện các giải pháp trong thời gian tới. Kết quả nghiệp vụ công chứng Nhà nước: 02 Phòng Công chứng thuộc sở: thực hiện công chứng 5640 vụ việc, thu phí 2.067.177.000 đồng, nộp ngân sách 1.033.588.000 đồng; Các Văn phòng Công chứng công chứng 17.502 vụ việc, thu phí 4.990.443.000 đồng, nộp ngân sách 317.794.000 đồng.

Về bán đấu giá tài sản, hiện nay, ở Nghệ An có 01 Trung tâm và 05 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản với 09 đấu giá viên. Tỉnh đã bám sát quy định của pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước công tác bán đấu giá tài sản trên địa bàn toàn tỉnh; trong tổ chức thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP có hiệu quả nhất là đấu giá quyền sử dụng đất; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động bán đấu giá; Giao Sở Tư pháp đã phối hợp Sở Tài chính chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh về phí bán đấu giá tài sản; Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ bán đấu giá tài sản cho các thành phần liên quan. Riêng Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, trong năm 2012 đã ký kết 169 hợp đồng; tổ chức bán đấu 123 hợp đồng, thu 752.743.000 đồng, nộp ngân sách 75.274.000.

Về đăng ký giao dịch bảo đảm, thực hiện Nghị định của Chính phủ, nhằm kịp thời khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành, đưa hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm nề nếp, có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị định 83/2010/NĐ-CP; tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 83 và kết quả 5 năm thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm; ban hành quy chế phối hợp trong công tác đăng ký giao dịch bảo đảm; Tổ chức tập huấn đăng ký giao dịch bảo đảm cho các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, các ngân hàng và các tổ chức hành nghề công chứng. Hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm đã đi vào nề nếp đạt hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã thể hiện rõ vai trò của cơ quan tư pháp trong việc giải quyết kiếu nại, tố cáo được ngày càng được nâng cao, đơn thư được giải quyết đúng quy định, đúng thẩm quyền.

Công tác xây dựng Ngành tiếp tục tiếp tục kiện toàn, củng cố các cơ quan tư pháp và tổ chức pháp chế ngành ở địa phương. Năm 2012, Sở Tư pháp đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua do Bộ Tư pháp, Khu vực thi đua và Khối Thi đua Nội chính phát động. Sở Tư pháp đã phát động đăng ký thi đua gắn với thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Một năm trôi qua, nhìn lại những kết quả nổi bật của Ngành Tư pháp Nghệ An để cố gắng phát huy trong thời gian tới. Đạt được những kết quả nêu trên ngoài sự nỗ lực cố gắng của Ngành còn có sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đặc biệt là sự hướng dẫn chỉ đạo kịp thời sát sao của Bộ Tư pháp. Phát huy thành tích và kết quả năm 2012, năm 2013 ngành Tư pháp Nghệ An tiếp tục khắc phục khó khăn, hướng mạnh về cơ sở, đổi mới trong các giải pháp hoạt động góp phần nâng cao vị thế ngành Tư pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương./.  

Nguyễn Quế Anh - PGĐ - STP Nghệ An