Kết quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố Đà Nẵng năm 2006

01/02/2007
Năm 2006, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành 127 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có: 113 Quyết định và 14 Chỉ thị. HĐND, UBND 07 quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng đã ban hành 158 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 105 văn bản của UBND (gồm 99 Quyết định, 06 Chỉ thị) và 53 Nghị quyết của HĐND để thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn các quận, huyện.

 Trong tổng số 127 văn bản quy phạm pháp luật do UBND thành phố Đà Nẵng ban hành năm 2006, có 109 dự thảo văn bản (gồm 95 Quyết định và 14 dự thảo Chỉ thị) đã được Sở Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trước khi cơ quan chuyên môn trình UBND thành phố ban hành, đạt tỷ lệ 85,83%, tăng 14,03% so với năm 2005 (71,8%).

Nhìn chung, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND thành phố năm 2006 đã tuân thủ chặt chẽ hơn về quy trình, thủ tục Luật định; nhất là về thủ tục lấy ý kiến của các ngành liên quan và thủ tục thẩm định dự thảo trước khi trình UBND thành phố xem xét ban hành. Tuy nhiên, trình tự xem xét, thông qua dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa theo đúng quy định của Điều 40 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chỉ được thông qua thường trực UBND thành phố (Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) hoặc lấy ý kiến thành viên UBND thành phố trước khi Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành, chưa tổ chức họp xem xét, thông qua theo trình tự Luật định.

Năm 2006, chỉ có 24/56 văn bản đã đăng ký trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2006 của UBND thành phố (ban hành kèm theo Quyết định số 799/QĐ-UBND ngày 26/01/2006) được ban hành. Việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa được thực hiện theo đúng Chương trình đã đăng ký, chủ yếu là do các cơ quan chuyên môn chưa dự liệu chính xác tiến độ xây dựng và ban hành văn bản, cơ sở pháp lý ban hành văn bản và một phần do phải chờ văn bản Trung ương hoặc không thể ban hành do chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương, của thành phố đã có sự thay đổi.

Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật của UBND thành phố cũng như của các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ban hành trong năm 2006 là đúng pháp luật, có tính khả thi cao, góp phần quan trọng vào việc thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều chỉnh các quan hệ xã hội trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, quốc phòng, an ninh, xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa. Chất lượng, nội dung các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các ngành chuyên môn xây dựng đã được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, trong công tác xây dựng, ban hành văn bản vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý như: Tình trạng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đúng quy trình, thủ tục đã có giảm cơ bản nhưng vẫn chưa triệt để. Công tác tham mưu của các Sở, ngành còn chậm, chưa đảm bảo đúng tiến độ và thời gian đã đăng ký tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hằng năm, không đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực. Một số văn bản có nội dung chưa phù hợp với quy định của Trung ương, ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn bản, công tác pháp chế ở các ngành, địa phương đã được củng cố, kiện toàn song vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu công tác, nhất là trong tình hình đất nước hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Cá biệt, còn một số Sở, ngành chưa bố trí công chức pháp chế hoặc bố trí kiêm nhiệm mang tính chất đối phó, hình thức./.

Tạ Tự Bình