Hà Tây: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật

01/02/2007
Sau 3 năm, thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân” và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác PBGDPL, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây đã có nhiều chuyển biến tích cực về công tác này.

       Triển khai Chỉ thị số 32, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có kế hoạch chỉ đạo, đồng thời tổ chức 7 hội nghị quán triệt đến 700 cán bộ chủ chốt ở các ban ngành, đoàn thể và lãnh đạo UBND các xã, thị trấn. Từ thực tế của địa phương, hàng năm UBND huyện, các xã, thị trấn đều xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật để triển khai công tác TTPBGDPL ở  đơn vị, địa phương mình. Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã chỉ đạo kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của huyện gồm 17 thành viên và 29 xã, thị trấn đã thành lập Hội đồng PBGDPL với 414 thành viên. Cùng  với việc chỉ đạo tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, Huyện ủy chỉ đạo xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung của công tác PBGDPL, bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật. Thông việc giao ban cụm (huyện có 8 cụm), Thường vụ Huyện ủy thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của các xã, tiếp nhận những vướng mắc trong quá trình triển khai để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Từ đó, đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo để công tác này hoạt động có chiều sâu và đồng bộ.

Phòng Tư pháp phát huy được vai trò đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú. Trong thời gian qua, toàn huyện đã tổ chức được hơn 56 hội nghị tuyên truyền các văn bản pháp luật, đóng góp dự thảo luật: Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, Giao thông đường bộ... cho hơn 7.000 lượt người tham dự. Hệ thống truyền thanh ở cơ sở đã lựa chọn thời gian thích hợp để tuyên truyền phổ biến những nội dung pháp luật cần thiết, dễ hiểu, dễ nhớ tới ngư­ời dân ở cơ sở. Đa số các tủ sách pháp luật ở xã, thị trấn được quan tâm đầu tư và được bổ sung đầu sách hàng năm, hầu hết các cơ quan, đơn vị, trường học đã có ngăn sách pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc tìm hiểu và chấp hành chính sách pháp luật ở địa phương. Chính quyền cơ sở đã thường xuyên chỉ đạo củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải. Đến nay, toàn huyện có 254 tổ hòa giải với 1.609 thành viên. Trong 3 năm đã thực hiện hòa giải thành 1851 vụ việc đạt tỷ lệ hòa giải thành 86%, riêng năm 2006 hòa giải thành 515 vụ việc, góp phần tích cực trong việc giải tỏa những tranh chấp về đất đai, dân sự, hôn nhân - gia đình, cũng nh­ư những mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân c­ư. Năm 2005, UBND huyện tiến hành tổ chức thành công Hội thi Hoà giải viên giỏi lần thứ 2 đồng thời nâng cao kiến thức pháp luật cho chính người làm công tác hoà giải.

Ngoài các hình thức tuyên truyền trên, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, tổ chức phiên tòa xét xử lưu động, panô, áp phích, tranh ảnh và các hình thức sinh hoạt quần chúng, nhiều nội dung pháp luật đã được chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân. Đổi mới hình thức tuyên truyền luôn là nội dung quan trọng trong công tác PBGDPL và trên thực tế ba năm qua, huyện Thường Tín đã có nhiều cải tiến mô hình các Câu lạc bộ PBGDPL và đang được nhân rộng trên địa bàn. Hiện nay toàn huyện có hàng chục Câu lạc bộ của các đoàn thể như: Câu lạc bộ "Phụ nữ với pháp luật", "Tuổi trẻ với pháp luật" đang hoạt động có hiệu quả và đi vào nề nếp. Việc xây dựng lực lượng, củng cố đội ngũ làm công tác PBGDPL, góp phần quan trọng trong việc tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đảng viên, cán bộ và nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đều xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đánh giá đúng hơn vị trí, vai trò của công tác PBGDPL,  coi đây là nhiệm vụ cần chỉ đạo thường xuyên của mình. Được sự quan tâm của cấp ủy nên bước đầu đã khắc phục được tình trạng giao khoán việc PBGDPL cho cơ quan Tư pháp và cán bộ tư pháp xã. Mối quan hệ phối hợp PBGDPL trong hệ thống chính trị được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả hơn.

Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân từng bước được nâng lên. Từ thực tế việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại huyện Thường Tín còn những hạn chế cần khắc phục: Đội ngũ những người làm công tác PBGDPL còn hạn chế về trình độ nên gặp khó khăn rất nhiều trong tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân. Kinh phí cấp cho công tác PBGDPL phụ thuộc nhiều vào việc cân đối ngân sách địa phương, nên rất hạn hẹp, năm 2006 Phòng Tư pháp chỉ được cấp 6 triệu đồng cho công tác này; người làm công tác báo cáo viên pháp luật và uyên truyền viên pháp luật, hoà giải chưa có chế độ đãi ngộ, việc khai thác tủ sách pháp luật chưa hiệu quả thực sự, thiếu tài liệu pháp luật được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với trình độ dân trí./. 

 

Công Dũng